Đời sống

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Dũng thời chiến, chí thời bình

Hoàng Anh - Tuấn Dũng - Tuyết Nhung 30/04/2024 08:31

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Công lý đã có cuộc trao đổi vớiTrung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân , nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.

nguyen-quoc-thuoc.jpg
PV Báo Công lý trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

PV: Thưa Trung tướng, cuộc đời binh nghiệp của ông đã trải qua nhiều chiến trường ác liệt, trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Trung tướng có thể chia sẻ về những kỷ niệm đặc biệt của mình?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nói đến cuộc đời binh nghiệp của tôi thì đã gần trọn nửa thế kỷ. Trong nửa thế kỷ đó, tôi đã tham gia gần như tất cả các chiến trường tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam, chiến trường Lào, chiến trường Campuchia, chiến trường phía Bắc,…

Cuộc đời binh nghiệp của tôi bắt đầu từ kháng chiến chống Pháp, khi đó Trung đoàn của tôi là đơn vị phối thuộc trên chiến trường Trung Lào để thu hút kiềm chân quân Pháp và tiêu diệt lực lượng của địch, để tạo điều kiện cho chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trung đoàn của tôi lần đầu tiên vượt biên giới Việt Nam sang Lào. Ngày 19/12/1953, đơn vị của tôi được lệnh tiêu diệt một tiểu đoàn Âu Phi của Pháp mang phiên hiệu 27/BTA. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng tôi đã tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn và lấy nguyên vẹn một đại đội pháo 105. Sau khi lấy được chiến lợi phẩm, chúng tôi lập tức đưa về Việt Nam và kéo ra bổ sung cho pháo binh tại Điện Biên Phủ. Tiếp đó, đơn vị của chúng tôi đã tiêu diệt thêm một tiểu đoàn Âu - Phi.

Lúc chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, tôi đang tham gia chiến dịch ở Trung Lào. Nhưng khi được nghe chuyện Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954 chúng ta tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch thì những người trên mặt trận phối hợp chúng tôi tự hào vì đã góp phần nhỏ bé vào chiến thắng đó. Có thể nói chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một chiến thắng chấn động địa cầu.

PV: Thưa Trung tướng, trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Chiến dịch Tây Nguyên là chiến dịch then chốt, làm thay đổi cục diện chiến trường toàn miền Nam để tiến tới ngày toàn thắng 30/4/1975. Trung tướng có thể chia sẻ về giai đoạn diễn ra chiến dịch này?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Thực tế, cuộc đời binh nghiệp của tôi trong kháng chiến chống Pháp có đóng góp một phần thôi. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi chưa có ngày nào rời ra khỏi chiến trường. Trong những trận đánh trên chiến trường Tây Nguyên thì năm 1969 lúc đó tôi là Trung đoàn trưởng. Trung đoàn của tôi hoạt động độc lập giữa Pleiku và Kon Tum. Trung đoàn tôi trong gần một tháng đã đánh bại 3 cuộc hành quân “Bình Tây 48”, “Bình Tây 49”, “Bình Tây 50”. Mỗi cuộc hành quân đó là có một trung đoàn của địch, chúng tôi chỉ có một trung đoàn độc lập. Chúng tôi đã đánh tiêu diệt một trung đoàn, và gây thiệt hại cho hai trung đoàn. Như vậy là toàn bộ các cuộc hành quân của địch tại đây đã bị phá sản. Vinh dự của đơn vị chúng tôi lúc bấy giờ đã được Bác Hồ gửi điện khen và đã tặng Trung đoàn chúng tôi Huân chương Chiến công hạng Hai. Có thể nói rằng, đó là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời tôi.

nguyen-quoc-thuoc3.jpg
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân , nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X.

PV: Trung tướng có thể chia sẻ về vai trò của cá nhân trong Chiến dịch Tây Nguyên?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Có thể nói với Chiến dịch Tây Nguyên thì công lao là công lao của tập thể. Nhưng cần nhắc đến vai trò của Tư lệnh mặt trận là Thượng tướng Vũ Lăng, người Trung đoàn trưởng nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là người thủ trưởng, vừa là người thầy, người anh của tôi. Tôi cũng là cánh tay phải đắc lực cho Thượng tướng Vũ Lăng trong chiến dịch Tây Nguyên. Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ 04/3 đến 03/4/1975. Chúng ta đã giải phóng hoàn toàn 4 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh đồng bằng khu 5. Chúng ta đã cắt đứt hoàn toàn thế trận chiến lược của Mỹ.

Để nói đến chiến thắng thì ai cũng vui mừng, nhưng mà nói đến tại sao chiến thắng thì phải nói đến nghệ thuật tài giỏi của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên lúc bấy giờ. Lúc bấy giờ trên chiến trường Tây Nguyên còn nguyên vẹn Quân đoàn 2 của Việt Nam Cộng hòa, 01 sư đoàn bộ binh, 01 sư đoàn không quân tại Pleiku, 04 trung đoàn thiết giáp và cả bầy pháo binh. Chúng ta đã đánh chiếm được Buôn Ma Thuột để rồi tạo ra đột biến để địch phải bỏ chạy. Thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên là thắng lợi của chiến dịch nghi binh. Một cuộc nghi binh tuyệt vời khi chúng ta lừa được địch. Khi chúng ta đánh vào Buôn Ma Thuột thì địch đang tập trung ở Pleiku, ở Kontum cả. Chúng ta đã đánh vào chỗ hiểm yếu; đã cắt tất cả các đường có thể chi viện cho Buôn Ma Thuột. Chúng ta cắt đường 19 ở khu 5 lên, cắt đường 14 từ Pleiku, Kontum về, cắt đường 21 từ Nha Trang lên. Ba con đường huyêt mạch bị cắt đứt hoàn toàn. Chúng ta đánh địch rồi mà địch không ngờ tới.

Tôi chỉ nói đơn giản như thế này, nếu mà chiến dịch Tây Nguyên không thắng lợi như đã diễn ra thì ngày 30/4 lịch sử có thể không đến sớm như vậy. Có thể nói rằng chiến dịch đã tạo ra một thời cơ để chúng ta bước vào thế trận quyết định giải phóng miền Nam.

PV: Không chỉ là một vị tướng mà ông còn từng là đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, với những phát biểu thẳng thắn tại nghị trường. Với kinh nghiệm tham gia nhiều kỳ họp của Quốc hội, Trung tướng có thể chia sẻ những bài học trong công tác xây dựng pháp luật hiện nay?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi có suy nghĩ, lúc chiến đấu là vì nhân dân. Với vai trò đại biểu Quốc hội cũng phải vì nhân dân mới làm tròn nhiệm vụ. Những điều gì ảnh hưởng đến lợi ích của dân, đối với những sai phạm phải thắng thắn đấu tranh. Cũng giống như, chúng tôi đã chiến đấu hàng chục năm trong chiến tranh với kẻ thù bên ngoài, thì bây giờ với kẻ địch bên trong ta cũng phải kiên quyết đấu tranh.

Cho nên ngoài vấn đề phát biểu ý kiến thì để bảo vệ lợi ích của dân, quan trọng là phải xây dựng được luật pháp, và quyết định vấn đề quyền lợi của nhân dân hay không. Ví dụ như tôi đã có ý kiến về Bộ luật Dân sự là giải quyết những mâu thuẫn giữa dân và dân thì vấn đề quan trọng nhất là không nên đưa bộ luật ra để giải quyết ngay. Mà phải đến tận dân để giải quyết những mâu thuẫn của dân. Cho nên nguyên tắc thứ nhất, quan trọng nhất là hòa giải. Hôm qua còn mâu thuẫn, hôm nay hòa giải được thì có thể lại vui vẻ. Quyền lợi của Nhà nước không được vượt quá quyền lợi của nhân dân. Cho nên phải hài hòa giữa quyền lợi của hai bên. Theo tôi, bài học trong xây dựng luật pháp hiện nay là phải lấy dân làm gốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Hoàng Anh - Tuấn Dũng - Tuyết Nhung