Xã hội

Gặp gỡ người ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng

Minh Lý 29/04/2024 - 09:28

Trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, có một người Anh hùng đã để lại dấu ấn sâu đậm, không chỉ trong lòng dân tộc, mà còn trên thế giới - đó chính là Trung tướng Phạm Tuân.

Trung tướng Phạm Tuân là phi công đầu tiên hạ siêu pháo đài bay B52 của Mỹ và trở về an toàn, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, người Việt Nam đầu tiên ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Phi công đầu tiên bắn rơi B52 của Mỹ

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức của Trung tướng Phạm Tuân về trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội năm 1972 là ký ức hào hùng không bao giờ quên.

Theo lời kể của ông, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở vào thời điểm ác liệt, việc đánh thắng máy bay B52 ngày càng trở nên quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn vì B52 thường bay đêm, gây nhiễu mạnh, rất khó phát hiện. Mỗi khi xuất kích, B52 thường được nhiều máy bay khác hộ tống để yểm trợ như F4, F111, F100... Mặt khác, hệ thống làm nhiễu sóng ra đa của các máy bay này rất hiện đại nên rất khó phát hiện B52 để tấn công.

tt-pham-tuan.png
Anh hùng, Trung tướng Phạm Tuân.

Phạm Tuân cùng đồng đội nhận được lệnh của cấp trên là bằng mọi cách phải ngăn chặn, không quân phải cất cánh, tên lửa phải đánh, nếu không bắn được B52 thì phải xua đuổi để không cho chúng vào Hà Nội, bảo vệ mục tiêu là trên hết.

"Khi ấy, Không quân ta với máy bay tiêm kích hiện đại nhất MiG 21 đã nhiều lần xuất kích, nhưng vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Thời điểm đó thật sự áp lực đối với lính lái chúng tôi. Lúc đó, không có bản lĩnh kiên cường và ý chí quyết tâm đánh thắng địch, chúng tôi không thể hạ gục pháo đài B52 của Mỹ"- Trung tướng Tuân nhớ lại..

Với quyết tâm, ý chí và sự sáng tạo trong cách đánh, ông và đồng đội đã cùng quân, dân bảo vệ thành công bầu trời Hà Nội và lập chiến công hiển hách. Trước đó, gần 10 đêm, máy bay của ta cất cánh từ hai sân bay Nội Bài và Kép đều bị địch phát hiện, nên quân ta đã thay đổi chiến thuật - đưa máy bay ra vòng ngoài xa Hà Nội như sân bay Yên Bái... không đánh bằng ra đa mà bằng mắt thường; không bay tầm thấp mà bay thẳng lên tầm cao với tốc độ lớn - ông là người đầu tiên thực hiện cách đánh đó.

Đêm ngày 27/12/1972, nhiều tốp B52 của Mỹ từ hướng Tây Bắc bay vào đánh phá Hà Nội. Được lệnh cất cánh, ông nhanh chóng tiếp cận khu vực có máy bay địch, xin lệnh công kích. Lúc này, tốp máy bay F4 bay ở nhiều độ cao bảo vệ B52 rất chặt chẽ, phi công Phạm Tuân khéo léo điều khiển máy bay né tránh và tiến sâu trong đội hình địch. Sau khi có lệnh tấn công, ông chưa tấn công ngay mà chờ thêm vài giây để gần hơn với máy bay địch, bắn 2 quả tên lửa, hạ tại chỗ một pháo đài bay B52 và hạ cánh an toàn...

Bằng chiến công lập được, ngay sáng hôm sau ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen. Ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày 3/9/1973. Khi đó, ông thuộc quân số của Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371.

Nhà du hành Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ

Phạm Tuân sinh ra và lớn lên tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, một vùng quê thuần nông chiêm trũng, người dân quanh năm chỉ trồng cấy, gắn bó với ruộng đồng, bùn đất.

Lớn lên, ông đi bộ đội và được tuyển chọn vào lực lượng Phòng không Không quân. Được cử sang thành phố Krasnodar của Nga học tập, lúc đầu, ông chỉ được phân vào lớp học thợ máy. Nhưng như một cơ duyên khi lớp đào tạo phi công cần thêm một người, Phạm Tuân may mắn được chọn.

anh-hung-pham-tuan-trong-chuyen-bay-vao-vu-tru.png
Anh hùng Phạm Tuân trong chuyến bay vào vũ trụ.

Năm 1977, Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), năm sau, ông được chuyển sang bay vũ trụ. Phạm Tuân được chọn vào đội bay quốc tế thứ sáu trong chương trình Intercosmos của Liên Xô ngày 1/4/1979. Sau khi trải qua những bài huấn luyện, Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Xô viết Viktor Vassilyevich Gorbatko được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur trên tàu Soyuz 37 ngày 23/7/1980 và trở về trái đất ngày 31/7 trên tàu Soyuz 36...

Để thích ứng với điều kiện bay trên vũ trụ, Phạm Tuân và các đồng nghiệp đã phải trải qua các bài tập gian khổ, khó khăn. Ở đó không chỉ yêu cầu phi hành gia phải có sức khỏe cực tốt mà còn phải có thần kinh “thép”. “Việc khó nhất là trong điều kiện không trọng lượng, nhưng vẫn đảm bảo làm việc bình thường”...

Trước khi thực hiện nhiệm vụ bay vào vũ trụ, ông đã được gặp nhiều vị lãnh đạo cao cấp như: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước lúc bây giờ, với lời nhắn nhủ dặn dò: Việt Nam là nước đánh thắng Pháp, thắng Mỹ, bây giờ các cháu được sang Nga phải cố gắng rèn luyện học tập để thể hiện bản lĩnh của người Việt Nam cũng bay được vào vũ trụ; Phải cố gắng quyết tâm thực hiện bằng được...

Và, khi khát vọng đã trở thành hiện thực, trong toàn bộ thời gian trên quỹ đạo, ông và các đồng nghiệp cùng làm việc, thực hiện các thí nghiệm trong tình trạng không trọng lực; quan sát bề mặt trái đất xem mũi đứt gãy để phán đoán vị trí các mỏ khoáng sản; quan sát hướng chảy của sông, vùng biển tập trung nhiều cá để hướng dẫn ngư dân; quan sát các hành tinh xa, chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo trái đất...

Trong không gian 7 ngày, 20 giờ và 42 phút, Phạm Tuân đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh trái đất. Khi từ vũ trụ trở về, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Cùng thời gian đó (1980), ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi.

Luôn tự hào khi nói về Không quân Việt Nam

Khi được hỏi “Điều gì đã giúp ông lập chiến công và trở thành Anh hùng”? Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ, chiến công của ông đa phần là may mắn, nhưng may mắn ở đây là có thời cơ và phải biết chớp được thời cơ đó thì mới làm nên lịch sử. Ông nêu ví dụ: Cùng một trận chiến, có người đánh được, có người không, đó là do bản lĩnh. Bản lĩnh gồm ý chí quyết tâm và sáng tạo. Trong đó, có ý chí mục tiêu là phải bắn được địch, nhưng làm thế nào bắn được? Nếu chỉ có ý chí, quyết tâm thì không làm được. Phải thuần thục kỹ thuật, chiến thuật, linh hoạt, đưa trí tuệ vào trong cách làm đó. Hai yếu tố kết hợp với nhau, ý chí - sáng tạo là then chốt thể hiện bản lĩnh. Tôi nghĩ bản lĩnh đơn giản như thế thôi. Ý chí và cách làm, biết đánh và biết thắng.

pv-bao-cl-tt-pham-tuan.png
Phóng viên Báo Công lý trong buổi phỏng vấn Anh hùng Phạm Tuân.

Bây giờ ở tuổi nghỉ hưu về với đời thường, người Anh hùng Phạm Tuân có thú chơi hoa lan với hàng trăm chậu của vài chục loài và tham gia nhiều phong trào. Ông cũng trở thành diễn giả chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cảm hứng của mình với thế hệ trẻ.

Khi nói chuyện với thế hệ trẻ, ông thường tự hào khi nói về Không quân Việt Nam, về trận chiến 12 ngày đêm lịch sử, về những kỷ niệm đáng nhớ khi bay vào vũ trụ, truyền cảm hứng và khát vọng cho tuổi trẻ. “Thế hệ trẻ hôm nay đừng bao giờ quên lịch sử. Chúng ta đã có một quá khứ hào hùng. Tôi muốn kể lại để các em hiểu được cha anh chúng ta đã sống và chiến đấu thế nào” Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ .

Ông tin tưởng thế hệ trẻ sẽ làm tốt và làm tốt hơn mình vì có tri thức, được học hành bài bản; được kế thừa truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước anh dũng của ông cha. Điều quan trọng, thế hệ đi trước phải giáo dục sâu sắc lòng yêu nước để biến thành quyết tâm cho thế hệ trẻ.

Trung tướng Phạm Tuân nhắn nhủ các bạn trẻ phải ra sức học tập, nghiên cứu khoa học, đưa kiến thức vào thực tiễn cuộc sống để khẳng định được nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và trí tuệ của con người Việt Nam. Nếu chịu khó rèn luyện và khát vọng vươn tới thì có thể sẽ thành công.

Với Anh hùng Phạm Tuân, không gì là không thể. Cuộc sống của ông là một câu chuyện đầy cảm hứng, một minh chứng rõ ràng cho sự bản lĩnh, ý chí và khát vọng, con người có thể vượt qua mọi thách thức, vươn lên cao hơn và đạt được những thành tựu vĩ đại.

Trên con đường của mình, Phạm Tuân không chỉ là một Anh hùng của Quốc gia, mà còn là một biểu tượng của niềm tự hào và khát vọng của con người. Ông đã và đang tiếp tục là nguồn động viên và cảm hứng cho hàng triệu người, khẳng định rằng không gì là không thể, nếu ta dám mơ ước và kiên trì theo đuổi.

Minh Lý