Thị trường bất động sản sẽ ấm dần đến cuối năm 2024
Nhìn chung, thị trường bất động sản năm 2024 dù còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng đang và sẽ ghi nhận những động thái tích cực với nhiều dự đoán hồi phục mạnh đến cuối năm 2024.
Tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản
Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua được xem là bước ngoặt với thị trường bất động sản (BĐS). Nhiều điểm mới của luật gỡ khó cho doanh nghiệp làm tăng nguồn cung cho thị trường với giá hợp lý hơn.
Theo đó, Luật quy định tại khoản 2, điều 30 về quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất. Theo đó, tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang được nhà nước cho thuê đất thu tiền 1 lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang trả tiền hàng năm. Phần tiền thuê đất đã nộp trước đó sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hằng năm theo quy định của Chính phủ.
Các chuyên gia cho rằng, quy định mới này vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa nắn chỉnh nguồn thu theo hướng kích thích sinh lợi từ đất đai. Được nộp tiền sử dụng đất hàng năm sẽ giúp chủ đầu tư giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời gian đầu triển khai dự án. Nhờ vậy, giá bán BĐS cũng có cơ hội được điều chỉnh về mức hợp lý hơn, chất lượng sản phẩm hoàn thiện tốt hơn.
Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bảo nhận định, đây là tín hiệu tích cực với thị trường BĐS. Luật Đất đai 2024 sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn của thị trường liên quan đến tính pháp lý về hình thức triển khai dự án BĐS, giao đất, thu hồi đất, tiền sử dụng đất, giá đất...Không chỉ đối với chủ đầu tư, các nhà đầu tư đều mong muốn khi có Luật Đất đai, các vướng mắc pháp lý dự án sẽ được giải quyết. Những mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với các luật khác cũng được tháo gỡ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các quan công quyền phê duyệt dự án... Khi đó, sẽ giúp các dự án được tháo gỡ, nguồn cung ra thị trường ngày càng dồi dào hơn.
Cũng theo ông Tuấn, Luật Đất đai 2024 tạo tiền đề tốt cho các luật khác đi vào hoạt động như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS... Các luật khi đồng bộ, có hiệu lực, đi vào cuộc sống sẽ ổn định thị trường BĐS lâu bền, chu kỳ thị trường sẽ kéo dài hơn, không phóng nhanh phanh gấp như một số giai đoạn trước. Đây là vấn đề lâu dài và thị trường cũng cần thời gian để thẩm thấu.
Ông Tuấn khẳng định, trước mắt, thị trường sẽ có tín hiệu tích cực về mặt tâm lý. Tuy nhiên, vẫn cần có thời gian với các nghị định, thông tư, hướng dẫn cụ thể. Luật đến năm 2025 mới có hiệu lực nên cũng có độ trễ. Thời gian tới, thị trường BĐS sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ hơn. Tốc độ thực hiện dự án sẽ nhanh hơn từ việc thu hồi đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất... Đây là những vấn đề các nhà đầu tư, chủ dự án quan tâm hiện nay.
Cần sự nỗ lực của Nhà nước và doanh nghiệp
Các chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong cuộc họp ngày 7/12/2023. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt, sát tình hình hơn nữa, nhất là về tài sản thế chấp, thủ tục cho vay…; quyết liệt hơn các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng…
Để bảo đảm an toàn, tạo sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện về mặt thể chế, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường, cần tiếp tục các chính sách tài khóa liên quan đến vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công để hỗ trợ chính sách tiền tệ.
Theo tinh thần Công điện số 993 ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị làm cơ sở để triển khai các dự án BĐS, lưu ý bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp.
Các địa phương sớm công khai danh mục dự án BĐS, lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp có đầy đủ thông tin, chủ động nghiên cứu, đăng ký tham gia đầu tư một cách công khai, minh bạch… Đặc biệt là địa phương công bố những dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện triển khai vay vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án BĐS; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời hướng dẫn và xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách điều tiết phù hợp thông qua việc giao đất, cho thuê đất với ưu đãi và giảm lãi suất cho vay khoảng 4,8% cho khách hàng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ... Việc phân quyền cho UBND cấp tỉnh ban hành cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội theo thẩm quyền, phù hợp với thực tế địa phương cần làm rõ hơn về mặt pháp lý để chủ trương sớm đi vào thực tiễn...
Bên cạnh những ưu việt của Luật Đất đai 2024, dự kiến, đầu năm 2025, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực sẽ tạo sự đồng bộ, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS phát triển bền vững.