Các chuyên gia góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên diễn ra ngày 4/4 do TANDTC tổ chức, các chuyên gia đã có những đóng góp quan trọng liên quan đến dự án luật này.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, 175 điều quy định các nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Dự thảo Luật đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng, trong đó có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ở ngoài cộng đồng, 1 biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều đồng tình với sự cần thiết xây dựng Dự thảo Luật và đóng góp thêm một số ý kiến.
PGS.TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo: “Tư pháp đối với người chưa thành niên là tư pháp nhân đạo, không phải tư pháp dễ dãi”. Có thể nói, mục đích tối cao của tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên bị tình nghi phạm tội là bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất của họ trong quá trình thực hiện tố tụng hình sự, làm cho việc tiến hành thủ tục tố tụng hình sự không gây ra những tổn hại về tinh thần và thể chất mà người chưa thành niên rất dễ gặp phải do đặc thù tâm, sinh lý của độ tuổi vị thành niên.
Đối với người chưa thành niên phạm tội là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người chưa thành niên, thể hiện tinh thần nhân đạo trong việc áp dụng các biện pháp xử lý chú trọng tới tính giáo dục, qua đó bảo đảm thế thệ tương lai của đất nước, dân tộc tự cải tạo mình, hướng thiện một cách tự nhiên, phát triển thành công dân tích cực của đất nước.
Đối với người chưa thành niên là người có liên quan tới vụ án hình sự là bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất của họ, bảo đảm họ không bị ảnh hưởng tiêu cực do quá trình tiến hành tố tụng vụ án hình sự có thể gây ra cho họ.
Để đạt được những mục tiêu trên, hướng tới triết lý của tư pháp đối với người chưa thành niên là “tư pháp nhân đạo, không phải tư pháp dễ dãi”, việc xây dựng các chế định về hình phạt và thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên trong Luật tư pháp người chưa thành niên là hết sức quan trọng.
PGS.TS Tô Văn Hòa cũng đóng góp ý kiến về hình phạt đối với người chưa thành niên trong dự thảo và góp ý các quy định của dự thảo về tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên.
Bà Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cho ý kiến: Đến thời điểm này, áp dụng chế tài xử phạt còn hơn là giáo dục, thường là hình phạt tù cho hưởng án treo, nó có quy định rõ ràng, có các cơ quan, gia đình quản lý, giám sát, một số biện pháp như hòa giải không áp dụng.
Trong quy định hiện hành, điều kiện vật chất còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên nên cần thiết xây dựng Luật, phù hợp với công ước quốc tế đã ký kết, phù hợp với tinh thần nhân văn, dự thảo Luật này không chỉ là phù hợp với quốc tế mà còn là trách nhiệm các cơ quan tư pháp để xử lý người chưa thành niên phạm tội. Điều kiện áp dụng chuyển hướng đối với người chưa thành niên, cảnh cáo tù không giam giữ.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần xây dựng thêm trong dự thảo luật những quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng, cũng như xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.
Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo đã nghe 12 ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các đại biểu quốc hội góp ý vào dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên.
Phát biểu bế mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã dành lời cám ơn chân thành tới các đại biểu đã tham dự hội thảo. Cho đến thời điểm này, cơ bản đã xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến trực tiếp gửi tới Ban soạn thảo dự án Luật để tiếp tục sửa, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội sớm thông qua, đưa luật vào thực thi cuộc sống.