Đời sống

Tăng thuế đối với đồ uống có đường là giải pháp hiệu quả để giảm béo phì, thừa cân

Chu Lương 05/04/2024 - 15:30

Ở Việt Nam, trung bình người dân tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, thậm chí có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, kể cả ung thư.

Ngày 5/4 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khoẻ và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Lạm dụng đồ uống có đường gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Chia sẻ về tác hại của đồ uống có đường, TS. Angela Pratt, Trưởng đại điện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, sâu răng và góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì.

Đây là những vấn đề sức khỏe quan trọng, thậm chí tiêu thụ đồ uống có đường có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, kể cả gây ra ung thư.

“Việc tiêu thụ "đường tự do", đó là bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%, tương đương khoảng 25 gram/ngày cho một người trưởng thành trung bình. Thế nhưng, 1 lon coca cola thông thường chứa tới 36 gram đường, cao hơn lượng đường giới hạn nên uống trong một ngày” - TS. Angela Pratt cho hay.

z5318615884153_afd8e331c313c30c7628fd6526ba3495.jpg
TS. Angela Pratt, Trưởng đại điện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.

Cũng theo bà Angela Pratt, đồ uống có chứa đường tự do hiện có trong nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.

Ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi.

Đại diện WHO nhấn mạnh: "Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì", do đó, chúng ta cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này.

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bệnh béo phì ở trẻ em là một vấn đề toàn cầu cần hành động khẩn cấp. Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng chóng mặt. Đồng thời, tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hoá, tim mạch đang gia tăng.

Đâu là giải pháp?

Theo TS. Angela Pratt, Trưởng đại điện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tac hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế. Tín hiệu giá chi phí cao hơn - rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Hiện đã có hơn 100 quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.

Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người se uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối.

Các biện pháp này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai.

Ngoài thuế, WHO cung khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm: ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡngng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên.

ts-mai.jpg
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bệnh béo phì ở trẻ em là một vấn đề toàn cầu cần hành động khẩn cấp.

Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết, hiện có ba biện pháp chính để giảm tiêu thụ lượng đồ uống có đường, đó là: áp thuế với đồ uống có đường; hạn chế quảng cáo và các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền đến người dân.

Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai; nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.

Đồng thời, Việt Nam nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường; quy định dán nhãn mặt trước thể hiện hàm lượng đường; nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh; giảm tính sẵn có của đồ uống có đường; cấm tiếp thị đồ uống có đường...

Theo Bộ Tài chính, việc đánh thuế đồ uống có đường đã trở thành xu thế chung. Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị chính phủ các nước hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua việc đánh thuế vào nước giải khát có đường, để định hướng tiêu dùng.

Trong dự thảo về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung "nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN)" vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, sẽ loại trừ một số mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như: sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng như nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.

Chu Lương