Tòa án địa phương

TAND tỉnh TT-Huế sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Ngọc Minh - Quốc Bình 27/03/2024 - 18:21

Ngày 27/3, TAND tỉnh TT-Huế tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tỉnh TT-Huế Vũ Văn Minh cho biết, ngày 16/6/2020, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, lãnh đạo TAND tỉnh TT-Huế đã có nhiều giải pháp đảm bảo thực hiện hiệu quả, kịp thời trong việc tuyển chọn Hòa giải viên; trang bị cơ sở vật chất cho phòng Hòa giải, đối thoại; chỉ đạo ban hành quy chế, quy trình tiến hành hòa giải, đối thoại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

z5288317490515_8f9150e024aeb8293a9871eb385cc397.jpg
Chánh án TAND tỉnh TT-Huế Vũ Văn Minh phát biểu tại Hội nghị

Trong 3 năm triển khai Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện.

Theo báo cáo, qua 3 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TAND hai cấp của tỉnh TT-Huế nhận được 10.954 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Trong đó, số lượng vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án 630 vụ, việc; số lượng vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành 334 vụ, việc (chiếm 53%).

z5288628990780_4c894760c285922afccf585c4811eec9.jpg
Phó Chánh án TAND tỉnh TT-Huế Bùi Văn Thanh báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại nhiều lợi ích cho các đương sự như: chủ động sắp xếp thời gian, địa điểm, hình thức hòa giải phù hợp. Hòa giải đối thoại thành sẽ rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, giảm chi phí đi lại, hàn gắn được mối quan hệ thân thích, xóm giềng; giảm được số lượng vụ việc thụ lý, giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Tuy nhiên, do quy định hòa giải, đối thoại tại Tòa án còn khá mới, nên số lượng người dân biết và lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải đối thoại tại tòa còn hạn chế. Điều này đòi hỏi các cán bộ Thẩm phán, Thư ký và hòa giải viên cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn hòa giải đối thoại tại Tòa án, để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tại hội nghị, các đại biểu còn nghe các tham luận của các đơn vị TAND cấp huyện và Hòa giải viên Tòa án hai cấp.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chánh án TAND tỉnh TT-Huế Vũ Văn Minh đề nghị TAND 2 cấp và đội ngũ hòa giải viên tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn hòa giải đối thoại tại Tòa án, để nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tăng cường công tác tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho hòa giải viên.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với TAND hai cấp mà trọng tâm là số lượng, tỷ lệ, chất lượng các loại vụ việc thực hiện theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án qua đó kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót.

z5288611289819_f39b1604793e10d61f9b2d6cbf002bd8.jpg
Chánh án TAND tỉnh TT-Huế Vũ Văn Minh đã tặng Giấy khen cho ba Hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tích cực tìm kiếm, tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định pháp luật để bổ sung cho các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị hiện nay vẫn chưa có Hòa giải viên; cần xác định nhiệm vụ triển khai thi hành luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án. Mỗi tập thể và Hòa giải viên cần nghiên cứu phát huy trách nhiệm của mình trước yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tại hội nghị, Chánh án TAND tỉnh TT-Huế Vũ Văn Minh đã tặng Giấy khen cho ba Hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Ngọc Minh - Quốc Bình