Trong nước

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội

Thụy Bình 15/03/2024 - 08:04

Dự Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của TP. Hà Nội trong một số lĩnh vực.

chunhiemubpl.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 14/3, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều (giảm 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 55 điều, bỏ 6 điều, bổ sung mới 2 điều). Hai điều mới được bổ sung là điều 14 về phân cấp, ủy quyền và điều 36 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền TP. Hà Nội trong một số lĩnh vực.

Cụ thể, dự thảo Luật giao HĐND thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố (khoản 3 Điều 17) (các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết).

Bên cạnh đó, phân quyền cho UBND thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều (khoản 6 Điều 18) (Luật Đê điều giao Thủ tướng Chính phủ quyết định).

Thêm vào đó, dự thảo Luật phân quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch thuộc UBND thành phố cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; thẩm định, công nhận, công bố, kiểm tra, thu hồi quyết định công nhận, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao, 5 sao (khoản 7 Điều 21) (Luật Du lịch giao thẩm quyền này cho Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam).

Tương tự, phân quyền cho UBND thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND thành phố thành lập (điểm a khoản 1 Điều 24).

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng phân quyền cho cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND thành phố thẩm định, cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố được áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài cho phép áp dụng tại nước ngoài (khoản 5 Điều 26) (Luật Khám bệnh, chữa bệnh giao Bộ Y tế).

Mặt khác, phân quyền cho HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD; dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công liên tỉnh có mức vốn tối đa 20.000 tỷ đồng (Điều 37) (bao gồm một số dự án đang thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ).

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự thảo làm rõ thêm một số nội dung, biện pháp cụ thể nhằm thu hút, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô.

Trong đó, đáng chú ý điểm mới là cho phép TP. Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ (Điều 36)...

Thụy Bình