Gặp nữ Chánh án tỉnh trẻ nhất Việt Nam
Thẩm phán Phạm Thị Bích Thủy trở thành Chánh án TAND tỉnh trẻ nhất Việt Nam, ở tuổi 39, vào năm 2018. Từ đó đến nay, trên đường công vụ, chị Thủy đã vững vàng vượt qua nhiều song gió, nhờ vào những nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân, cùng với sự tin tưởng của lãnh đạo TANDTC và lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước.
Tôi đến gặp Thẩm phán Phạm Thị Bích Thủy vào đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 2. Bình Phước là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ đang hừng hực khí thế phát triển, trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn. Có lẽ vì thế mà Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh rất nồng nhiệt với khách thập phương và hăng hái đón nhận “làn sóng dịch chuyển đầu tư” vào tỉnh nhà, nhất là đầu tư nước ngoài.
Năm 2023, Bình Phước đã đón nhận nhiều tin vui về kinh tế - xã hội như tốc độ tăng trưởng của Bình Phước đạt 8,34%, đứng đầu vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 11 cả nước. Trong đó, ngành nông nghiệp Bình Phước tăng 10,25%, cao nhất cả nước.
Còn về công nghiệp, Bình Phước hiện có 12/13 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 391 dự án thứ cấp, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,5 triệu USD và hơn 18 nghìn tỷ đồng, tổng diện tích đất thuê 1.429,66 ha. Trong số 12 khu công nghiệp đi vào hoạt động, có 8 khu công nghiệp với diện tích lấp đầy trên 90%.)
Những năm tới, về kinh tế, tỉnh Bình Phước cho hay sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%/năm; Cơ cấu kinh tế, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%, thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 11% và kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD), tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt khoảng 7%/năm. Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, PAR Index, ICT Index thuộc nhóm khá của cả nước.
Nói như thế để thấy, Bình Phước đang đứng trước cơ hội lớn, để phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng Đông Nam bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.
Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức về tăng trưởng bền vững. Trong đó phải đảm bảo phát triển đồng đều cả ba “trụ cột” là: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội. Nói cách khác, một đô thị phát triển bao giờ cũng kéo theo kết tụ hạ tầng, kết tụ dân cư, cùng với đó là những xung đột về lợi ích, tranh chấp pháp lý, tranh chấp đất đai… Áp lực phòng, chống tội phạm cũng vì thế mà gia tăng. Và như thế công việc của hệ thống TAND, của Thẩm phán, của Thư ký tòa, của Hòa giải viên cũng sẽ tăng theo.
Trên đường đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, tôi cứ phỏng đoán trong đầu về những áp lực công việc trong hệ thống Tòa án. Sau 2 giờ 35 phút di chuyển, chiếc xe cũng chầm chậm tiến vào khuôn viên của TAND tỉnh Bình Phước. Chánh án Phạm Thị Bích Thủy mở cửa phòng làm việc, nở nụ cười thật tươi, giọng nhẹ nhàng chào đón khách. Tôi hơi bất ngờ với người phụ nữ trước mặt. Trong trang phục giản dị, Thẩm phán Phạm Thị Bích Thủy có khuôn mặt xinh đẹp, trẻ trung hơn nhiều so với cái tuổi 45 của chị.
Lướt mắt quanh phòng làm việc của chị Thủy, tôi càng bất ngờ hơn khi nó được bày trí một cách tối giản. Từ cửa đi vào là bộ bàn ghế tiếp khách, cạnh đó là cái kệ đựng ly tách và nước uống, kế đến là chiếc tủ đựng đồ đạc, tư trang cá nhân. Chiếc bàn làm việc được chủ nhân sắp xếp thật gọn gàng, với một bảng tên, một đèn điện nhỏ, một máy vi tính, kèm theo một quyển sổ ghi chép…. Đặc biệt, vật trang trí duy nhất của căn phòng chỉ là tấm tranh thư pháp có chữ “Đức” được treo trang trọng trên tường, ở phía trước bàn làm việc.
Sau lời chúc đầu năm, chị Thủy nói mình có duyên với nghề này, vì trước đó, chị mơ ước trở thành cô giáo. Năm 18 tuổi, chị Thủy đã thi vào trường Cao đẳng Sư phạm, rồi theo học tại đây. Nhưng cũng vì thế mà đi ngược với kỳ vọng trở thành Kiểm sát viên của người cha. Dù vậy, ba của chị Thủy vẫn ân cần chăm sóc, vẫn cùng với con gái trên chiếc xe máy, vượt qua đoạn đường hơn trăm cây số, chỉ để vun vén, thành toàn ước mơ cho chị.
Chị Thủy tâm sự: “Ba tôi là bộ đội. Sau khi phục viên ông đã làm Kiểm sát viên và mong muốn con gái nối nghiệp. Thật lòng tôi rất biết ơn ba, vì thấy ông buồn mà không để lộ cảm xúc. Điều này cũng khiến tôi phân vân về tương lai là tiếp tục theo đuổi giấc mơ thành cô giáo hay là Kiểm sát viên?”.
Sau một năm theo học sư phạm, ngã rẽ đã đến với chị Thủy khi trường Cao đẳng Kiểm sát có mở khóa đào tạo tại TP.HCM. Thế là chị Thủy quyết định gác lại giấc mơ sư phạm, để theo học trường Cao đẳng Kiểm sát như mong muốn của ba.
Khi ra trường năm 2001, trải nghiệm đầu tiên của cán bộ kiểm sát Phạm Thị Bích Thủy là tham gia xác định nguyên nhân tử vong của một người chết trôi nhiều ngày. Trực tiếp chứng kiến quá trình nghiệm thi mở sọ, mổ ổ bụng, khử mùi… nhưng chị Thủy vẫn không chút sợ hãi, mà thay vào đó là tâm lý khát khao hoàn thành nhiệm vụ.
Từ đó, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, cùng với sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, chị Thủy lần lượt giữ các cương vị là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thị xã Đồng Xoài; Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Bình Phước và Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước.
Đến năm 2018, nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo TANDTC và lãnh đạo Tỉnh ủy, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước Phạm Thị Bích Thủy đã chuyển sang giữ cương vị mới là Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Bình Phước.
Nói về công tác lãnh đạo và triển khai nhiệm vụ trong năm nay, Chánh án Phạm Thị Bích Thủy cho hay, TAND hai cấp tỉnh Bình Phước đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là nghiêm túc thực hiện Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp liên quan đến TAND; Chỉ thị, Nghị quyết của Chánh án TANDTC; Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI.
Theo chị Thủy, TAND hai cấp tỉnh Bình Phước đã rất thành công trong năm 2023, khi tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, với chủ đề: “Phát huy truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, vì công lý; Công chức và người lao động TAND thi đua phấn đấu hoàn thành đạt và vượt toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác năm”.
Năm 2023, TAND tỉnh Bình Phước đã giải quyết 9.579 vụ, việc/10.499 vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 91,24% (trong đó có 7.311 vụ, việc giải quyết theo thủ tục tố tụng và 2.268 vụ hòa giải đối thoại thành theo Luật Hòa giải đối thoại), tạm đình chỉ 270 vụ. So với cùng kỳ năm 2022 (giải quyết 8.348/9232 vụ, việc thụ lý), số án thụ lý tăng 1.266 vụ, việc và số án giải quyết tăng 1.230 vụ, việc. Số án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan 78,5 vụ, chiếm tỷ lệ 0,54%. Bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 7,9 vụ/tháng.
Các vụ, việc đều áp dụng đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ trong xét xử, tôn trọng quyền bình đẳng trong tranh luận tại phiên tòa. Do đó, các bản án đã tuyên đều có căn cứ pháp luật, phù hợp với thực tế khách quan, không có trường hợp nào kết án oan cho người không có tội, không bỏ lọt tội phạm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể tham gia tố tụng.
Cũng trong năm 2023, TAND tỉnh Bình Phước có bản án số 07/2018/HN-PT ngày 22/3/2018 về vụ án Hôn nhân và gia đình được Hội đồng Thẩm phán TANDTC công nhận là án lệ số 62/2023/AL1 về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con…
Vì thế, TAND tỉnh Bình Phước đã nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính Phủ; Còn Thẩm phán Phạm Thị Bích Thủy cũng nhận Bằng khen của Chánh án TANDTC.
Để có được những thành tích này, Chánh án Phạm Thị Bích Thủy đã liên tục duy trì nguyên tắc lãnh đạo minh bạch, rõ ràng. Phân công đúng người, đúng việc; Thẳng thắn xây dựng góp ý, giúp đỡ, không trù dập, tạo điều kiện để người trẻ phát triển và sáng tạo.
Còn đối với những trường hợp vi phạm kỷ luật (tùy vào mức độ), chị Thủy sẽ cương quyết xử lý nghiêm, không tái bổ nhiệm hoặc không xét thi đua. Vì thế, chất lượng giải quyết án tại TAND hai cấp tỉnh Bình Phước đã ngày càng tốt hơn nhiều.