Vang mãi chiến thắng “Cát Bi rực lửa”
Chiến thắng Cát Bi đã đi qua 70 năm, nhưng những bài học về tinh thần quả cảm, sự mưu trí, chiến lược của quân và dân ta vẫn còn nguyên giá trị.
Tròn 70 năm trước (ngày 07/3/1954), quân và dân tỉnh Kiến An (TP. Hải Phòng ngày nay) đã giành chiến thắng vang dội trong trận tập kích vào sân bay Cát Bi, phá hủy gần 60 máy bay và nhiều phương tiện, vũ khí của thực dân Pháp.
Chiến thắng Cát Bi đã chặt đứt cầu hàng không tiếp viện cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ, góp phần thúc đẩy nhanh sự sụp đổ và tan rã của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hình ảnh “Cát Bi rực lửa” cũng là một trong những biểu tượng tự hào của quân và thành phố Cảng anh hùng.
Sân bay Cát Bi được người Pháp khởi công năm 1912 tại huyện Hải An, tỉnh Kiến An (nay là quận Hải An, TP. Hải Phòng), là một trong những sân bay chiến lược lớn nhất của Pháp ở Đông Dương khi đó. Theo tư liệu lịch sử, lực lượng Pháp bảo vệ sân bay Cát Bi lên đến 3.000 người, cùng hàng trăm phi công, nhân viên phục vụ, cố vấn quân sự.
Với sự bố phòng cẩn mật, lại thêm ba mặt Bắc, Đông và Nam đều có biển và sông bao bọc, căn cứ Cát Bi đã được người Pháp coi là nơi “bất khả xâm phạm”. Năm 1952-1953, sân bay Cát Bi được thực dân Pháp mở rộng và nâng cấp để trực tiếp phục vụ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chấp hành chủ trương của Trung ương về tổ chức phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn chỉ thị cho Tỉnh đội Kiến An tổ chức một trận tập kích vào sân bay Cát Bi, phá hủy một số lớn máy bay địch để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, nhằm cản trở sự chi viện của địch cho các mặt trận, thúc đẩy chiến tranh du kích của ta trong vùng địch tạm chiếm. Yêu cầu đặt ra cho trận đánh là phá hoại ít nhất 50 máy bay, bảo toàn lực lượng, giành thắng lợi về quân sự.
Ngày 28/2/1954, Ban chỉ huy Tỉnh đội Kiến An và đồng chí Đặng Kinh, Tỉnh đội trưởng thông qua kế hoạch đánh sân bay Cát Bi với lực lượng gồm 32 người, đột nhập vào sân bay theo hướng Đông Nam. Ông Nguyễn Xuân Khu, nguyên Chánh thanh tra Quốc phòng (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng), người đã tìm hiểu rất kỹ về trận tập kích sân bay Cát Bi cho biết, để chuẩn bị cho trận đánh, Tỉnh đội Kiến An đã chuẩn bị hàng tháng trời; đồng thời, tổ chức tập kích sân bay Đồ Sơn để rút kinh nghiệm cho trận Cát Bi.
"Trước khi đánh Cát Bi chúng ta có cử một đội quân trinh sát, tiến hành trinh sát sân bay thành nhiều đợt. Chúng ta đã nắm được đặc điểm về bố phòng của địch, từ hàng rào, bãi mìn đến các công sự, đặc biệt là máy bay trên sân bay. Do kiểm đếm và nắm tương đối chắc nên khi vào đánh và thắng ngay"- ông Nguyễn Xuân Khu nhớ lại.
Đúng 8h ngày 5/3/1954, lực lượng tập kích sân bay Cát Bi nhận lệnh xuất phát; vị trí tập kết là xã Hòa Nghĩa (huyện Kiến Thụy lúc bây giờ). Đêm 6/3/1954, từ xã Hòa Nghĩa, đơn vị vượt qua đường 14, sau đó vượt sông Lạch Tray và vùng bãi lầy tiếp cận sân bay.
1h sáng ngày 7/3/1954, tiếng nổ của lựu đạn và bộc phá bất ngờ vang dội cả sân bay Cát Bi, tiểu đội Âu Phi đi tuần và bọn lính canh gác khu vực máy bay đỗ bị tiêu diệt tại chỗ. Số bom đạn địch chuẩn bị sẵn trong các máy bay bị nổ tung. Quân địch hoàn toàn bất ngờ và tập trung hoả lực bắn lên không trung vì sợ bị máy bay tập kích. Khi chúng phát hiện sân bay bị đánh bằng bộ binh, xe bọc thép của địch gầm rú chạy vòng quanh sân bay nhưng lực lượng ta đã rút ra ngoài an toàn.
Suốt 17 giờ đồng hồ, sân bay Cát Bi ngùn ngụt trong biển lửa và tiếng nổ dữ dội. 59 máy bay địch bị phá hủy. Theo Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, trong quá trình nghiên cứu về lịch sử thành phố Hải Phòng, hình ảnh sân bay Cát Bi rực lửa suốt 17 giờ đồng hồ là một trong những ấn tượng mạnh mẽ đối với ông.
"Hình tượng “Cát Bi rực lửa” còn đọng mãi trong lòng người dân TP Hải Phòng nói chung và những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Chiến thắng Cát Bi có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng rất vang dội đến chiến công trong cả nước; cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. Ngược lại, quân địch bị một đòn rất nặng nề, cũng tạo ra một khó khăn cho kẻ thù và cũng là tạo lợi thế cho quân và dân khi mà chỉ mấy ngày sau chúng ta nổ súng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ"- Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn nói.
Ngay sau khi nhận được báo cáo về chiến thắng Cát Bi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen và tặng đơn vị tập kích sân bay danh hiệu “Đoàn dũng sĩ Cát Bi" và Huân chương Quân công hạng Nhất.
Chiến thắng sân bay Cát Bi ngày 7/3/1954 đã làm thiệt hại nặng về máy bay địch, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường chính Điện Biên Phủ và các mặt trận khác; cổ vũ tinh thần chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân Hải Phòng, Kiến An và nhiều địa phương khác trong cả nước.
Ông Bùi Văn Ngọc, Nguyên Hiệu trưởng Trường Quân sự Hải Phòng khẳng định, Chiến thắng Cát Bi đã góp phần thúc đẩy nhanh sự sụp đổ và tan rã của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: "Các phương tiện chiến tranh và binh lực của Pháp chuyển về cảng Hải Phòng và Cát Bi là cầu hàng không duy nhất lên Điện Biên. Đánh sập cầu hàng không này sẽ hạn chế rất lớn đến binh lực và phương tiện chiến tranh của địch tác chiến Điện Biên Phủ. Thứ hai, chiến thắng đã nêu bật sự vận dụng của chiến tranh nhân dân; có nhân dân nuôi và che giấu, bảo vệ thì bộ ta mới vào và giành chiến thắng".
Chiến thắng Cát Bi đã đi qua 70 năm, nhưng những bài học về tinh thần quả cảm, về sự mưu trí, chiến lược của quân và dân ta vẫn còn nguyên giá trị. Thành phố Hải Phòng hôm nay đang tiếp bước tinh thần của những người lính – Dũng sĩ Cát Bi năm xưa, tiếp bước truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, xây dựng, phát triển Hải Phòng giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước.