GS.TS Nguyễn Anh Trí: Mỗi một cán bộ y tế đều yêu nghề, yêu người, yêu đời và từ đó làm mọi việc thật tốt.”
Giáo sư Trí - người có nụ cười hiền từ cùng cách nói chuyện uyên bác, nhẹ nhàng, và gần gũi. Dịp đầu xuân năm mới, chúng tôi được lắng nghe những sẻ chia của ông về những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, niềm trăn trở của ông đối với ngành y...
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí tâm niệm: “Đã là thầy thuốc, việc hàng đầu là phải giữ gìn y đức, khai mở những hướng đi mới để trị bệnh cứu người, giúp đỡ cộng đồng. Vì nghề y là nghề đặc biệt, một công việc đòi hỏi phải luôn học tập, thường xuyên rèn luyện và nâng cao tay nghề, không ngừng tu dưỡng đạo đức. Phải thấm nhuần để mỗi một cán bộ y tế đều yêu nghề, yêu người, yêu đời và từ đó làm mọi việc thật tốt”.
Giáo sư Trí - người có nụ cười hiền từ cùng cách nói chuyện uyên bác, nhẹ nhàng, và gần gũi. Chúng tôi được dịp lắng nghe những sẻ chia của ông, dù là những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, niềm trăn trở của ông đối với ngành y, hay các công trình nghiên cứu khoa học đã và đang cứu sống hàng ngàn bệnh nhân,... thì ông vẫn kể lại bằng chất giọng trầm ấm của miền đất Quảng Bình.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nắng lửa Quảng Bình, rồi trở thành Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân có nhiều đóng góp với cộng đồng. Thời điểm hiện tại, đảm nhận vai trò là một đại biểu có trách nhiệm với cử tri và Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã trải qua một chặng đường phấn đấu bền bỉ, luôn gắn với ý chí và nghị lực kiên cường của chính ông và những đồng nghiệp.
Chia sẻ về câu chuyện đến với nghề y, GS.TS Nguyễn Anh Trí nhớ lại: “Ba tôi nguyên là y sĩ trong quân đội, sau kháng chiến chống Pháp, cụ làm y tế trong ngành lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình. Tuy có ba làm trong nghành y nhưng ảnh hưởng của việc đó đến tôi để quyết định làm nghề sau này công bằng mà nói là không nhiều. Thậm chí ba tôi còn luôn mong muốn tôi làm nghề sư phạm”.
Lúc còn đi học, GS.TS Nguyễn Anh Trí từng rất thích làm nông nghiệp với vị trí làm chủ nhiệm hợp tác xã. Nhưng vì học khá môn Vật lý, nên theo lời khuyên của thầy giáo, lần đầu tiên thi đại học ông thi vào khoa Vật lý của Đại học Sư phạm Vinh và đã trúng tuyển.
Cơ duyên để ông đến với ngành y là sau một trận sốt rét ác tính rất nặng. Khi ấy, ông vừa có giấy báo nhập học của Trường đại học sư phạm Vinh nhưng vì ốm nặng nên khi ra đến nơi thì đã quá thời gian nhập học. Về đến nhà, vì cơn sốt rét ác tính tái phát nên ông phải nằm viện trở lại. Trong khoảng thời gian khó khăn ấy, GS.TS Trí nhận thấy ngành y rất cao quý, rất cần thiết và quyết định thi vào Đại học y Hà Nội năm 1976. Ông trúng tuyển rồi nhập học, gắn bó từ đó là khoảng thời gian hơn 30 năm với công việc chữa bệnh cứu người.
Nói về những thành công của mình, GS.TS Nguyễn Anh Trí vẫn luôn tâm niệm, có được thành công ngày hôm nay một phần là do ông có được những may mắn lớn trong cuộc đời. Song những người biết ông, hiểu ông thì lại thấy rằng đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực, say mê, tâm huyết, trăn trở với nghề mà nên.
Với ông được học và làm việc là hạnh phúc. Ông luôn ý thức nghề y là nghề rất khó và là nghề phải học suốt đời. Cũng chính vì vậy mà ông tâm niệm, là thầy thuốc, việc hàng đầu là phải giữ gìn y đức, khai mở những hướng đi mới để trị bệnh cứu người, giúp đỡ cộng đồng. Năm 1982, ông chính thức tham gia làm cán bộ y tế cho đến tháng 10/2017 thì về hưu. Hiện tại, GS.TS Trí giữ vai trò là Chủ tịch hội đồng cố vấn MEDLATEC.
GS.TS Trí đã có một khoảng thời gian dài từ năm 1985 đến 2003 làm việc tại Bệnh viện Hữu Nghị. Trong suốt 18 năm đó, ông đã cống hiến không ngơi nghỉ trong công việc và tận tâm tận lực với người bệnh.
Trên cương vị là Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, ông đã xây dựng một tập thể cán bộ, y bác sỹ và công nhân viên đoàn kết, thống nhất dưới một mái nhà chung. Cũng chính từ nơi này đã tiếp thêm cho ông nguồn sức mạnh lớn lao để có thể đối diện và hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn trong thời kỳ bấy giờ.
Tính đến nay, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã có trên 220 công trình nghiên cứu khoa học các cấp đã được công bố ở trong và ngoài nước. Ông cũng đã viết 16 quyển sách về lĩnh vực huyết học và truyền máu.
Gần 15 năm trên cương vị Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương ông và các cộng sự ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là những người đi đầu trong Công nghệ ghép tế bào gốc với chi phí hợp lý tại Việt Nam và cũng là “người khởi xướng” Lễ hội Xuân Hồng và Hành trình đỏ với ý nghĩa xã hội to lớn và nhân văn, mang đậm tinh thần truyền thống gắn kết của người Việt Nam.
"Chúng tôi đã tổ chức Lễ hội Xuân hồng lần đầu tiên năm 2008. Lúc ấy sự kiện đã tiếp nhận được hơn 2.000 đơn vị máu trong một ngày, thay vì thời điểm đó chỉ tiếp nhận nhiều nhất 100 đơn vị máu/ngày mà 1 tuần chỉ có 1 đến 2 ngày để tiếp nhận."
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí
20 năm về trước, cụm từ "hiến máu tình nguyện", "hiến máu nhân đạo" còn là những khái niệm xa lạ và mơ hồ xa lạ nhưng giờ đây, hoạt động hiến máu đã trở thành một phong trào, một nét đẹp văn hoá của cộng đồng có ý nghĩa kết nối sâu sắc. Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và cá nhân giáo sư Trí có đóng góp không hề nhỏ trong hành trình này.
Ông chia sẻ: “Trước tình hình hết sức khó khăn về máu đặc biệt là dịp ngay sau Tết Nguyên đán chúng tôi quyết định tổ chức sự kiện có thể làm thay đổi về nhận thức của người dân và tiếp nhận được lượng máu đủ cung cấp ngay cho tình trạng thiếu máu nghiêm trọng tại các bệnh viện. Vì vậy chúng tôi đã tổ chức Lễ hội Xuân hồng lần đầu tiên năm 2008 và lúc ấy sự kiện đã tiếp nhận được hơn 2.000 đơn vị máu trong một ngày, lượng máu lớn chưa từng thấy vì thời điểm đó, hàng ngày chỉ tiếp nhận nhiều nhất 100 đơn vị máu mà 1 tuần chỉ có 1 đến 2 ngày để tiếp nhận. Cho đến nay, đây vẫn là hoạt động giúp kịp thời cung cấp đủ lượng máu để phục vụ cho các bệnh viện không chỉ trong Hà Nội, các thành phố lớn mà còn trên toàn quốc”.
"Hai sự kiện này đã tạo ra một phong trào hiến máu nhân đạo bền vững và làm thay đổi rất lớn đến nhận thức của nhân dân về hiến máu nhân đạo."
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí
Cùng với "Lễ hội Xuân Hồng", "Hành trình đỏ" cũng là “đứa con tinh thần” mà GS.TS Trí và các cộng sự xây dựng và phát triển nên. Sự kiện này có thể nói đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu máu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm ở Việt Nam. Đây là hành trình trải dài xuyên suốt đất nước, hoạt động hiến máu tình nguyện thường kỳ diễn ra từ 01/07 và kết thúc vào 27/7. Lần đầu tiên "Hành trình đỏ" tổ chức đã thành công ở 25-28 tỉnh thành, sau đó con số tăng lên là 45 tỉnh thành. Đến năm 2024, "Hành trình đỏ" đã được tổ chức tại hầu hết 63 tỉnh thành trên khắp cả nước.
“Hai sự kiện này đã tạo ra một phong trào hiến máu nhân đạo bền vững và làm thay đổi rất lớn nhận thức của nhân dân về hiến máu nhân đạo và cũng tạo ra phong trào hiến máu nhân đạo lan rộng, mang lại nhiều giá trị to lớn. Minh chứng rõ nhất là trong năm 2023 vừa qua, chúng ta đã tiếp nhận được hơn 1,6 triệu đơn vị máu. Trong đó, 99% là từ những người hiến máu tình nguyện không lấy tiền và đây là thành công không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng đánh giá rất cao”, Giáo sư Nguyễn Anh Trí phấn khởi.
Hiện nay, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng GS.TS Trí vẫn luôn nhiệt huyết với công việc chữa bệnh cứu người trên cương vị là Chủ tịch hội đồng cố vấn MEDLATEC. Ông chia sẻ: “Công việc ở đây khá bận rộn, riêng nhóm cố vấn có rất nhiều công việc cần phải làm. Mặc dù công việc mất khá nhiều thời gian nhưng đối với tôi điều đó lại hết sức hấp dẫn. Bởi vì, tôi là một bác sĩ và cũng là một nhà khoa học thì không gì có thể hạnh phúc hơn được làm chuyên môn, được nghiên cứu, làm việc và cống hiến”.
Nói về đóng góp của nghành y tế, GS.TS Nguyễn AnhTrí khẳng định, y tế Việt Nam từ năm 1945 đến nay luôn có những đóng góp to lớn và giá trị, góp phần vào thành công chung của đất nước. “Trên tôi có thế hệ thầy cô rất xuất sắc luôn là tấm gương để cho tôi soi chiếu phấn đấu, cho đến bây giờ xuất hiện rất nhiều các bác sĩ trẻ rất giỏi. Nhà khoa học về y khoa ở Việt Nam cũng không kém gì so với các nước tiên tiến trên thế giới. Y tế Việt Nam chúng ta rất giỏi so với các nước trên thế giới, tôi có niềm tin sâu sắc vào ngành y tế nước ta," ông cho biết.
"Tôi biết có những học trò, đồng nghiệp trẻ hơn tôi nhiều nhưng họ tiếp cận và làm chủ được những công nghệ mới và rất thành công. Họ cần cù, khéo léo và có sự quyết tâm mạnh mẽ. Đâu đó có những người thầy thuốc trình độ chưa cao lắm, về y đức và giao tiếp đối xử với người bệnh chưa được tốt, nhưng số đó là không nhiều. Hiện nay, Bộ Y tế đang rất quyết liệt để xử lí vấn đề này, và đang dần đi vào khuôn khổ. Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua một loạt các văn bản pháp luật mới đã được sửa đổi, rất nhiều Thông tư Nghị định, nhất là Luật khám chữa bệnh đã sửa đổi xong, cùng với sự vào cuộc rất quyết liệt của Chính phủ thì tôi cho rằng năm 2024 chắc chắn là một năm ngành y sẽ ổn định và phát triển”, GS.TS Trí tin tưởng.
Với tư cách là một Đại biểu Quốc hội nhìn nhận về ngành y, GS.TS Trí nhấn mạnh ngành y thời điểm sắp tới cần có tiếp tục có hướng giải quyết việc ổn định tâm tư tình cảm của đội ngũ y, bác sĩ; tiếp đó là khâu tổ chức hệ thống của ngành y. Theo ông, mỗi một cán bộ y, bác sĩ, người lao động đang công tác trong ngành cần phải nắm vững và hiểu rõ các quyết định, quy định mới để áp dụng.
Ngành y tế đặc biệt là cán bộ y tế, nhất là cán bộ làm quản lý, làm lãnh đạo đừng nhìn những sai phạm trước kia mà lo lắng hoảng sợ đến mức không dám làm.
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí
“Tôi nhận thấy các quy định của pháp luật bây giờ rất mới mẻ, cởi mở để cho ngành y có thể phát triển. Như vấn đề mượn máy, đặt máy, hay như BHYT bây giờ đang trong quá trình sửa đổi,... những đổi mới này đã cởi trói cho rất nhiều việc. Vì vậy các cán bộ y tế cần phải nắm được ngay để triển khai hiệu quả. Cán bộ y tế, đặc biệt là những người đảm nhận vai trò quản lý và lãnh đạo, không nên bị ám ảnh bởi những sai phạm của người tiền nhiệm. Thay vào đó, họ cần đối mặt với thực tế, tìm kiếm giải pháp và thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và quản lý hiệu quả.. Tôi vốn cũng là cán bộ y tế và tôi soi chiếu với những quy định mới thì tôi thấy rằng, những vướng mắc trước kia hiện đã được tháo gỡ. Và nếu có cái tâm thật sáng, cùng với tinh thần trách nhiệm cao thì hoàn toàn có thể làm được, mà không vấp phải những khuyết điểm, thậm chí là những lỗi lầm giống như một số nhà quản lý những giai đoạn trước đã gặp”, GS.TS Trí đưa ra nhận định.
Với hơn 30 gắn bó với nghề y, GS.TS Trí hiểu những khó khăn, vất vả mà các cán bộ y, bác sĩ… phải đối mặt. Nhưng theo ông, phải có niềm tin, phải vững vàng và quyết tâm thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết. Ông cho rằng, một trong những việc rất quan trọng mà lúc nào cũng cần, đó là tiếp tục làm tốt, giữ gìn y đức của cán bộ y tế và quan tâm hơn nữa, đặc biệt là tầng lớp những người khó khăn để tạo ra cơ chế mà tất cả những vướng bận không làm ảnh hưởng đến quá trình, chất lượng điều trị. Đó là những điều rất quan trọng mà y tế Việt Nam luôn cần phải lưu ý.
“Hơn 30 năm cống hiến cho ngành y tế, tôi cũng gặp những khó khăn như các đồng nghiệp hoạt động trong nghề. Nhưng bản thân tôi cảm thấy không hề hấn gì, bởi vì tôi xuất phát là người đã gặp rất nhiều trở ngại, thế nên những khó khăn tôi gặp phải tôi có thể đương đầu với nó. Vả lại, điều quan trọng nhất là tôi rất yêu nghề y, tôi hạnh phúc khi được làm nghề. Chính vì vậy, dù gặp một số trở ngại, vấp váp tôi đã đối mặt và lấy đó là bài học quý để bản thân trưởng thành hơn”, GS.TS Trí nói.
Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Anh Trí trong quá trình gắn bó với nghề cũng có khó khăn, vấp váp, nhưng với tâm niệm “dám đương đầu, không né tránh run sợ” ông đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp cứu người của mình.
Ông chia sẻ: “Tôi nhận thấy khó khăn chung kể cả y tế tư nhân, hay y tế công là vướng mắc về pháp luật. Quan điểm của tôi là công dân là phải chấp hành pháp luật, đây là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình công tác của tôi, cho nên tôi luôn tôn trọng và tuân thủ, chấp hành pháp luật. Cũng vì thế mà dù bận rộn, tôi vẫn đi học thêm Đại học Luật, không phải để làm đẹp thêm bằng cấp của mình mà là để hiểu biết sâu hơn về pháp luật, tuân thủ pháp luật và chấp hành đúng pháp luật. Nhờ vậy mà tôi không cảm thấy bực bội, chán nản, lo lắng, khi gặp những vấn đề vướng mắc về pháp luật và sẽ có niềm tin, dũng khí, để tháo gỡ, vượt qua những khó khăn.”
"Nghề y là nghề đặc biệt, công việc nghề y đòi hỏi phải học tập, rèn luyện tay nghề, tu dưỡng đạo đức không ngừng. Mỗi cán bộ y, bác sĩ phải thấm nhuần điều đó, để thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện."
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí
Theo ông, dám đương đầu, dám đột phá, dám tháo gỡ, nhưng trên cơ sở nguyên tắc phải tuân thủ pháp luật là điều bất di bất dịch. Với tinh thần đó, từ khi ông còn là cán bộ y tế rất trẻ, cho đến khi là cán bộ quản lý hay cho đến tận bây giờ tham gia làm cố vấn ở một Tập đoàn kinh tế tư nhân thì mọi vấn đề đều được ông giải quyết suôn sẻ, thuận lợi và đúng quy định của pháp luật.
Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt nam, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Anh Trí gửi lời nhắn nhủ đến những người đồng nghiệp: “Nghề y là nghề đặc biệt, công việc nghề y đòi hỏi phải học tập, rèn luyện tay nghề, tu dưỡng đạo đức không ngừng. Mỗi cán bộ y, bác sĩ phải thấm nhuần điều đó, để thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện. Tôi mong các cán bộ y tế, hãy yêu nghề, yêu người, yêu đời để làm mọi việc thật tốt”.
Thực hiện: Thanh Trà - Thu Trang
Ảnh: Minh Dũng
Quay phim: Hải Đăng - Phạm Hiển