Gặp gỡ Chánh án nơi cửa ngõ "Tam giác vàng"
Các vụ án liên quan đến ma túy đã được TAND tỉnh Sơn La đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần vào công tác đấu tranh loại trừ, quản lý những đối tượng gieo rắc “cái chết trắng” nơi vùng cao.
Sơn La nằm ở vị trí cửa ngõ của khu vực Tây Bắc, gần khu vực “Tam giác vàng, trung tâm sản xuất ma túy lớn thứ 2 của thế giới”; có đường biên giới dài hơn 274 km giáp với các tỉnh nước CHDCND Lào.
Nhiều năm qua, Sơn La luôn là địa bàn được tội phạm ma túy hướng đến để hoạt động, phía ngoại biên đã hình thành nhiều tụ điểm tập kết các chất ma túy để đưa vào địa bàn.
Khó khăn trong kiểm soát tội phạm về ma túy
Theo Thẩm phán Nguyễn Minh Hải, Chánh án TAND tỉnh Sơn La cho biết, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn diễn biến hết sức phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội là vô cùng tinh vi, xảo quyệt. Phần lớn các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy đều có vũ trang, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị vây bắt.
Bên cạnh đó, Chánh án cũng cho biết số người nghiện ma túy còn nhiều..., tác động trực tiếp đến an ninh trật tự (ANTT), sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà, làm phát sinh nhiều loại tội phạm, hệ lụy về an sinh xã hội cho nhiều gia đình, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Nếu như trước đây, trong các vụ án ma tuý, lực lượng chức năng chỉ thu được vài bánh heroin, vài kilogram ma tuý tổng hợp thì hiện nay, số lượng này lên tới hàng trăm bánh, hàng chục kilogram. Cùng với số lượng ma túy tăng lên, các đối tượng phạm tội cũng ngày càng trở nên liều lĩnh, manh động với thủ đoạn hết sức tinh vi. Các "ông trùm" không xuất đầu, lộ diện, mà các đối tượng thường thuê các đối tượng để vận chuyển thuê "hàng". Do vậy, vì lợi nhuận, tội phạm vận chuyển ma túy thời gian gần đây tăng về số lượng và tính chất hoạt động.
Tội phạm ma túy ở các tỉnh giáp biên giới thường là người dân tộc thiểu số. Với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới, với trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, sự hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế… nên họ dễ bị các đối tượng phạm tội ma túy lôi kéo đi vận chuyển thuê ma túy.
Nhiều người đã bị bắt giữ và phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình, nhưng lợi nhuận từ việc buôn bán ma túy vẫn khiến một bộ phận người dân, đặc biệt là những thanh niên không có công việc ổn định bị lôi kéo.
Khu vực ngoại biên Lào là nơi người nghiện tại Việt Nam sang mua ma túy để sử dụng hoặc mua về để bán kiếm lời. Tình trạng trồng, tái trồng cây thuốc phiện vẫn còn xảy ra và khó kiểm soát ở các địa bàn giáp ranh giữa hai nước.
Theo nhận định từ Chánh án Nguyễn Minh Hải, các đối tượng thường lợi dụng phong tục tập quán cũ của đồng bào dân tộc thiểu số hay sử dụng thuốc phiện hoặc các chất ma túy, tiền chất ma túy để chữa bệnh cho người hoặc gia súc để gây nghiện, sau đó sử dụng tình trạng nghiện để lôi kéo dụ dỗ, ép buộc người dân tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đẩy mạnh phổ biến kiến thức pháp luật
Thời gian qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy, đơn vị thuộc TAND tỉnh quan tâm, tổ chức tốt việc phổ biến, quán triệt và triển khai đầy đủ những nội dung, nhiệm vụ về công tác phòng chống ma túy.
“Tòa án tỉnh Sơn La xác định công tác phòng chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện; gắn với việc nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là công tác xét xử; làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy cùng cấp trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy”, Chánh án Nguyễn Minh Hải nêu rõ.
Ngoài ra, Chánh án Nguyễn Minh Hải cũng cho biết trong quá trình xét xử, Tòa án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; việc quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, mang tính chất răn đe, phòng ngừa tội phạm chung, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương và công tác phòng, chống tội phạm ma túy hiện nay.
Theo Chánh án Nguyễn Minh Hải, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm ma túy thông qua công tác xét xử, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết, nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc, vụ án; đặc biệt là các vụ án về tội phạm ma túy.
Lựa chọn, đưa ra truy tố, xét xử các vụ án điểm; chỉ đạo các Tòa án cấp huyện thực hiện tốt công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có căn cứ, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe người nghiện, người sử dụng ma túy phạm tội, vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ năng lực chuyên môn, có bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống tội phạm ma túy; bố trí cán bộ trực tiếp làm công tác xét xử là những người có phẩm chất, trách nhiệm, đạo đức công vụ, ý thức kỷ luật để nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Theo Báo cáo của TAND tỉnh Sơn La: Trong năm 2021, TAND tỉnh thụ lý 1.152 vụ/1.455 bị cáo; giải quyết, xét xử 1.141 vụ/1.434 bị cáo liên quan đến ma túy. Về các vụ án liên quan đến ma túy, năm 2022, Tòa án thụ lý 1.176 vụ/1.468 bị cáo; giải quyết, xét xử 1.167 vụ/1.449 bị cáo. Năm 2023, đơn vị thụ lý 1.356 vụ/1.699 bị cáo; giải quyết, xét xử 1.350 vụ/1.682 bị cáo.