Du lịch Kiên Giang 2024: Kỳ vọng đột phá
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Kiên Giang đã đón lượng khách tăng cao gấp 7,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu mừng, mang đến kỳ vọng phát triển vượt bậc cho ngành du lịch của địa phương trong năm nay.
Kiên Giang đã có những chính sách đổi mới, những phát triển tích cực nhằm mang đến nét đẹp hấp dẫn du khách đến với địa phương. Vừa qua, tỉnh cũng đã đón lượng du khách và doanh thu du lịch tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang kỳ vọng sẽ có sự đột phá trong năm 2024.
Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, từ ngày 29 đến mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn (tức ngày 08 đến 14/02/2024 ), tỉnh đón trên 335.000 lượt du khách, tăng 21,1% so cùng kỳ năm 2023; trong đó du khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt trên 214.000 lượt, khách lưu trú trên 120.000 lượt; công suất phòng đạt 66,3%.
Đặc biệt, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 1.122 tỷ đồng, tăng gấp 7,2 lần so cùng kỳ năm 2023.
Riêng tại Đảo Ngọc Phú Quốc, dịp Tết Nguyên đán năm 2024, thành phố Phú Quốc đón trên 191.000 lượt du khách, trong đó du khách quốc tế gần 52.000 lượt, tăng gấp 4,7 lần so dịp Tết Nguyên đán năm 2023.
Đáng chú ý, đầu năm mới 2024, Phú Quốc liên tiếp đón 2 chuyến tàu biển quốc tế 5 sao chở trên 3.000 du khách đến tham quan, khám phá Đảo ngọc. Điều này cho thấy Phú Quốc ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách, nhất là du khách quốc tế.
Năm 2024, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đón 9,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 680.000 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch 20.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu trên và tiếp tục thúc đẩy du lịch tỉnh phát triển, năm 2024 ngành du lịch Kiên Giang tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Phú Quốc thành phố trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước gắn công tác thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và hội nhập quốc tế…
Tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, nhất là xây dựng công trình hạ tầng trọng điểm đến khu, điểm du lịch.
Sở Du lịch cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch tập trung phát triển hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao, khu nghỉ dưỡng sinh thái và khu vui chơi giải trí, phấn đấu năm 2024 đạt 970 cơ sở, với hơn 34.000 phòng nghỉ, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.
Sở phối hợp ngành liên quan, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho du khách.
Ngành nghiên cứu khảo sát sản phẩm du lịch, đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Sở tăng cường kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh; khảo sát, vận động doanh nghiệp tham gia cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, dịch vụ du lịch khác. Sở cũng khảo sát khu du lịch được công nhận và khu, điểm du lịch tiềm năng nhằm khai thác, phục vụ du lịch.
Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó, chú trọng giải pháp mới, có tính đột phá để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, góp phần phát triển du lịch lên tầm cao mới.
Ngành Du lịch Kiên Giang phối hợp thực hiện chương trình xúc tiến, quảng bá, hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch tại thị trường trọng điểm du lịch trong và ngoài nước như, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai…
Đồng thời, Sở triển khai chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với các tỉnh miền Trung và thành phố Hà Nội.