Xu hướng tiêu dùng sẽ phụ thuộc vào cảm xúc, mới mẻ và cá nhân hóa
Dường như con người đang định hình lại chính mình trong thế giới khó nắm bắt, có nhiều thay đổi, ngày càng có nhiều nguy cơ rình rập và khó đoán định. Các ước muốn được làm gì đó, được trải nghiệm gì đó trỗi dậy mạnh mẽ. Cuộc sống không còn là ước mơ tích lũy tiền để xây căn nhà tráng lệ hay củng cố quỹ hưu trí, mà đó là những trải nghiệm mang tính “thiên vị hiện tại”.
Định hình những trải nghiệm, chi tiêu cho những giá trị tinh thần
Năm 2023, nhiều sự kiện âm nhạc lớn đã diễn ra tại Việt Nam và thế giới như cách con người định hình lại những đam mê và nền kinh tế đang xoay chuyển theo hướng đó. Nhóm nhạc Super Junior đã có mặt tại TP.HCM trong khuôn khổ "Super Junior World Tour - Super Show 9: Road" vào tháng 3/2023 với hơn 15.000 khán giả đến sân vận động Quân khu 7; hai đêm 29 - 30/7 của nhóm BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) trong tour lưu diễn mang tên Born Pink, thu hút 60.000 khán giả, cán mức doanh thu hơn 133,4 tỷ đồng (theo thống kê của Touring Data); the Wild Dreams Tour của nhóm Westlife đã thu hút hơn 30.000 lượt khán giả đến sân vận động Thống Nhất (TP.HCM) vào 21-22/11... Trên thế giới, Eras Tour của Taylor Swift phá kỷ lục phòng vé và đưa cô lên vị thế tỷ phú (theo Forbes).
Dẫn chứng một số sự kiện đó để thấy rằng người trẻ của Việt Nam và thế giới đang tìm kiếm những sự kiện nghệ thuật mới mẻ, thực tế, thay vì những chương trình biểu diễn trên truyền hình hay trực tuyến. Đã quá lâu phải sống với các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên mạng, người ta muốn thoát ra và hòa vào không gian đậm chất biểu diễn thực tế của các thần tượng.
Năm 2023 cũng là năm ngành du lịch thế giới hồi phục lại 90% (theo ghi nhận của Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO), năm đầu tiên mà du khách không có cảm giảm COVID-19 tồn tại. Họ sẵn sàng lên đường theo cách riêng của mình, đề cao trải nghiệm mang tính cá nhân hơn là chờ đợi nhiều người cùng tham gia, những chuyến đi dài, khám phá và sống hòa vào văn hóa bản địa, chi tiêu như người dân địa phương, sống chậm… là những điểm cần lưu ý.
Ở phân khúc những khách hàng có nhiều trải nghiệm sống, họ thấm thía về dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, chiến tranh,… nên giờ là lúc tìm về những chốn trong lành và bình yên. Người ta chú trọng đến sức khỏe tinh thần, đề cao hạnh phúc cá nhân. Sự giàu có, xa hoa mang tính vật chất như nhà cửa, xe cộ không còn sức quyến rũ, mà thay vào đó là chất mộc, chốn quê, sự chậm rãi, mang ý nghĩa bồi đắp tâm hồn, những giá trị tinh thần được nâng cao. Những bữa ăn đạm bạc, chay tịnh được chú trọng hơn những bữa “cao lương mỹ vị”.
Cơ hội tiếp tục phát triển nhóm ngành hướng đến nhu cầu cá nhân hoá
Năm 2024, được các chuyên gia thế giới nhận định rằng người tiêu dùng trẻ sẽ chạy theo chủ nghĩa “tân khoái lạc” (neo-hedonism). Họ tìm kiếm những trải nghiệm có ý nghĩa bên trong hơn là vẻ hào nhoáng bên ngoài, họ sẽ chi tiêu nhiều vào những hoạt động “bên ngoài hộp quà” hơn là chăm chăm vào những giá trị vật chất trong hộp quà. Thay vì mua tặng một món quà tặng ai đó, thì người ta muốn dành thời gian trải nghiệm cùng người đó hơn như cùng tham gia những buổi trình diễn nghệ thuật quy mô lớn, du lịch trải nghiệm, thưởng thức những đồ ăn thức uống,… mà ở đó, tính cá nhân và sự gắn kết luôn được đề cao.
Trước những xu hướng tiêu dùng khá rõ nét, nhóm ngành thương mại, dịch vụ sẽ chuyển mình theo hướng tích cực. Chỉnh trang lại các cơ sở lưu trú sạch sẽ, tươm tất; càng nhiều góc chụp ảnh check-in càng được ưa chuộng và phổ biến; các câu chuyện du lịch địa phương ngày càng được du khách để ý và kể lại. Họ chi tiền nhiều hơn cho câu chuyện văn hóa lịch sử hơn là sản phẩm thực tế. Những trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá sẽ chiếm được cảm tình của khách; thực khách cần một số món ăn thức uống đỉnh cao, đặc sắc hơn là sự đại trà, mờ nhạt.
Và hơn hết là thái độ phục vụ. Có gì đó chạm đến cảm xúc, con người ta sẽ nhớ rất lâu. Sự thấu hiểu hành vi khách hàng luôn là chìa khóa khai thác khả năng chi trả của khách hàng. Doanh nghiệp có thể tăng khả năng đọc vị khách hàng thông qua hành vi ứng xử trên mạng xã hội. Họ sẽ “chiều chuộng” khách hàng của mình theo cách có thể khiến khách hàng bất ngờ. Vì chính bản thân nhiều khách hàng cũng không hề nhận biết được họ đang muốn gì, thích gì, chọn gì,… cho đến khi được tác động bởi những mẫu quảng cáo giới thiệu, tâm lý đám đông cổ vũ, những người bạn trong mạng lưới khích lệ… và họ quyết định chọn sản phẩm/dịch vụ, dưới danh nghĩa “tự do chọn lựa”.
Khi những người có cùng sở thích mong muốn được kết nối với nhau cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tạo ra môi trường để khách hàng của mình được giao lưu, kết nối nhưng khá tách biệt. Đó không phải là một hội nhóm được tạo ra trên các trang mạng xã hội, hay tổ chức nào đó. Những người có chung sở thích sẽ hội tụ lại cùng một điểm đến, giống như kiểu những người ăn chay thường gặp nhau ở những quan chay, dù họ không biết nhau, không ai đứng ra kết nối, mà chính là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra để phục vụ từng nhóm người theo sở thích. Nhóm khách hàng chung sở thích này sẽ mang lại lợi ích đáng kể và bền vững cho những doanh nghiệp tạo ra nó.
Giờ đây, tương lai tiêu dùng sẽ không là sự mong chờ khẳng định vị thế bằng những sản phẩm đắt đỏ và sang trọng, mà thay vào đó là những dịch vụ mang tính bản sắc, mang giá trị tinh thần cao, được trải nghiệm cùng nhau. Người tiêu dùng sẽ đặt cảm xúc riêng của mình vào sản phẩm/dịch vụ, để cảm nhận trước khi ra quyết định. Điều đó dẫn đến cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu không còn “chất lượng là số một”, mà đó là tổng giá trị cảm nhận từ khách hàng. Thương hiệu nào đạt giá trị cảm nhận cao hơn sẽ chiếm được thị phần cao hơn.