Phòng chống tham nhũng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng

Trung Kiên 13/02/2024 - 16:12

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng là cơ sở lý luận có giá trị to lớn đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

mau-muc-1-.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Diệt sâu để cứu cây

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề tham nhũng và coi đây là một trong những căn bệnh cần phòng, chống. Theo Người: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân... Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”.

Do đó, bản chất của tham nhũng là xấu, là “trộm cướp”, lấy “của công” làm “của tư”; gian lận tham lam, không quý trọng của công, không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào, xương máu của chiến sĩ làm ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham nhũng là những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả, cần phải tiêu diệt. Năm 1950, Đại tá Trần Dụ Châu - Cục trưởng Cục Quân nhu bị phát hiện lợi dụng chức quyền tham ô ăn chơi, bị kết án tử hình.

Trước ngày thi hành án, Trần Dụ Châu gửi đơn lên Bác xin được khoan hồng. Phút cuối, ông Trần Đăng Ninh đến gặp Bác Hồ xin ý kiến, Bác chỉ cho xem một cây xoan héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây sắp chết.

Ông Ninh trả lời: “Dạ, vì thân cây bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa!”.

Bác hỏi: “Thế theo chú muốn cứu cây thì phải làm gì?”.

Ông Ninh trả lời: “Dạ, phải bắt và giết hết những con sâu ấy đi ạ”.

Bác gật đầu: “Chú nói đúng đấy, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng vậy. Nếu phải giết đi một con mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”.

Sau một đêm trắng, Hồ Chủ tịch ký bác đơn của Trần Dụ Châu và bản án được thi hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, biểu hiện trực tiếp của tham nhũng là ăn cắp của công hay của nhân dân làm của tư. Cán bộ bớt xén, tiêu ít mà khai nhiều; lợi dụng của công, của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương, đơn vị mình cũng là tham nhũng.

Người cũng sớm nhận diện và căn dặn cán bộ, đảng viên cần phòng, chống những biểu hiện tiêu cực như: địa phương chủ nghĩa, bè phái, quân phiệt quan liêu, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa,… Đó chính là những biểu hiện tiêu cực làm suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tha hóa đội ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước.

Theo Hồ Chí Minh, tham nhũng phá hoại đạo đức cách mạng, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ. Người nhắc nhở: “Cán bộ nào mà tham ô, hủ hóa là có tội to với Đảng và Chính phủ, có tội to với nhân dân và có tội to cả với anh chị em cán bộ khác”.

Tham nhũng phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân một cách vô ích, có hại đến công việc cải thiện đời sống nhân dân. Huấn thị tại Hội nghị cán bộ Đảng (năm 1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc tệ nhất là tham ô. Tham ô tức là gián tiếp giết chết đồng bào bị đói và bị nạn”. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng, chống tham nhũng cũng cần thiết như việc đánh giặc trên mặt trận, đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. Người coi tham ô, lãng phí, quan liêu là những thứ “giặc ở trong lòng”.

Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ. Những kẻ tham nhũng bị xếp ngang hàng với những kẻ phản quốc, là kẻ thù của nhân dân cần phải chống.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc tất yếu phải làm giống như muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa, chăm sóc kỹ lúa vẫn xấu vì bị cỏ át đi.

Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài; là một nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”.

Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tháng 11/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm ngày càng tốt, có thêm nhiều kinh nghiệm, bài học; cần xây dựng lý luận về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao và quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt, tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí.

Các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và tăng cường quan hệ phối hợp.

Đóng góp vào công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2023, các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với 3.730 vụ với 8.670 bị cáo; đã xét xử 3.197 vụ với 6.417 bị cáo.

Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại.

Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ.

Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội, được đông đảo dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

Nhằm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời gian tới cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, kiểm tra Đảng với hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt; có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trung Kiên