Bất động sản

Phục hồi, thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Thiên Kim 13/02/2024 - 07:31

Các chuyên gia nhận định, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch sau nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn và kích cầu của chính phủ và các doanh nghiệp sẽ là động lực để bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 và các năm sau đó.

Theo Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2023, sản phẩm bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng giảm hơn 80% so với năm 2022, thanh khoản sụt giảm, giao dịch thành công trên toàn thị trường thấp. Bên cạnh nhiều dự án bị vướng pháp lý, thì chủ đầu tư trì hoãn thời gian triển khai bán, nhất là những sản phẩm có giá trị cao, tránh sự cạnh tranh trực tiếp từ các sản phẩm cắt lỗ, chờ sự hồi phục, nên sản phẩm đưa ra thị trường vẫn không đạt như kỳ vọng. Sản phẩm hiện có chủ yếu là các dự án căn hộ biển rải rác cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam (tập trung ở những thành phố biển như Quảng Ninh, Phú Quốc, Đà Nẵng…).

ban-sao-cua-nhieu-du-an-bds-nghi-duong-cho-ban.jpg
Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang chờ bán.

Về phía cầu đầu tư, niềm tin giảm khi nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận nên tốc độ giao dịch chậm. Các hoạt động kinh doanh nhà hàng khách sạn tại các khu vực nghỉ dưỡng, điểm du lịch địa phương chưa hiệu quả. Ngành du lịch địa phương chưa có những chính sách, chương trình thu hút khách du lịch trở lại như thời gian trước đại dịch COVID-19, hay đúng hơn là chưa có chiến lược phát triển du lịch lâu dài đủ để các nhà đầu tư BĐS tham gia.

Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 14 với chủ đề "Tái tạo năng lượng thị trường" (11/2023), về bức tranh thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện nay, hoạt động kinh doanh khách sạn tại khu vực Đông Nam Á được đánh giá là đang trên đà hồi phục trong bối cảnh các quốc gia đã mở cửa hoàn toàn cho các hoạt động du lịch quốc tế. Tại thị trường Việt Nam, công suất và giá phòng bình quân của các khách sạn tại TP.HCM đang dần khôi phục, trong khi Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện công suất phòng.

Trong 10 năm qua (2013-2023), 54% nguồn cung phòng tập trung tại các thành phố Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An - Quảng Nam, nguồn cung tại các điểm đến ven biển tăng trung bình 16%/ năm, trong khi đó TP.HCM và Hà Nội chỉ tăng trung bình 6%/ năm.

ban-sao-cua-du-lich-phuc-hoi-giup-bds-nghi-duong-phuc-hoi.jpg
Du lịch phục hồi giúp bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.

Năm 2023, du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm 2022. Trong đó, châu Á là khu vực đóng góp lượng khách lớn nhất với hơn 9,78 triệu người, gấp 3,8 lần năm trước. Khách đến từ châu Âu đạt 1,459 triệu người, gấp 2,9 lần năm ngoái. Khách đến từ châu Mỹ đạt 903,8 nghìn lượt người, gấp 2,3 lần; khách đến từ châu Đại dương đạt 428,1 nghìn lượt người, gấp 2,7 lần; khách đến từ châu Phi đạt 30,1 nghìn lượt người, gấp 2,6 lần. Hàn Quốc là thị trường khách số 1 của du lịch Việt Nam, đạt gần 3,6 triệu lượt khách cả năm 2023. Trung Quốc là thị trường khách thứ 2 của du lịch Việt với gần 1,75 triệu lượt khách. Ngoài ra, thị trường khách du lịch đến từ Nhật Bản, Malaysia và Ấn Độ cũng chiếm ưu thế.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng của ngành du lịch, đặc biệt là nguồn cầu quốc tế trước đại dịch đã thúc đẩy hoạt động phát triển BĐS nghỉ dưỡng nói chung và khách sạn nói riêng.

Để gia tăng mức độ cạnh tranh du lịch trên bản đồ quốc tế và giữ chân du khách, Việt Nam cần phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mang đến nhiều trải nghiệm giá trị và cảm xúc đặc biệt hơn cho khách hàng, trong đó các yếu tố về kiến trúc, di sản, văn hóa địa phương, đặc trưng cộng đồng, bảo vệ môi trường sống là những mối quan tâm của nhiều du khách.

Quy hoạch hệ thống du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam phấn đấu đến năm 2045, trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kế hoạch đặt ra dự kiến đón 70 triệu du khách quốc tế và 260 triệu du khách nội địa, góp phần vào tổng thu nhập đạt khoảng 7.245 tỷ đồng và đóng góp 12-13% vào GDP. Riêng năm 2024, du lịch Việt Nam kỳ vọng đón 20 triệu lượt khách quốc tế, tiến tới mục tiêu đón 35 triệu du khách quốc tế, 160 triệu du khách nội địa vào năm 2030.

ban-sao-cua-can-ho-bds-nghi-duong-tai-quy-nhon.jpg
Căn hộ bất động sản nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn.

Ở tầm vĩ mô, Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo động lực lớn cho thị trường bên cạnh Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực ngay từ đầu năm 2024, cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh đầu tư, chính sách tài chính được nới lỏng, cũng sẽ là động lực làm gia tăng nhu cầu BĐS trên mọi phân khúc.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch sau nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn và kích cầu của chính phủ và các doanh nghiệp sẽ là động lực để BĐS du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 và các năm sau đó. Trong đó, BĐS nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe sẽ có nhiều lợi thế do xu hướng du lịch bền vững và chăm sóc sức khỏe hậu đại dịch COVID-19 tiếp tục lên ngôi.

Thiên Kim