Trong nước

Các trường hợp doanh nghiệp được thế chấp quyền thuê đất tại các tổ chức tín dụng

Mai Thoa 31/01/2024 07:35

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Luật được thông qua có nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, trong đó có các quy định liên quan đến định giá đất và việc thuê đất, thế chấp quyền thuê đất của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.


quoc-hoi-tq-1.jpg
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, cũng là dự án luật rất khó và phức tạp.

Dự án Luật đã được Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu và tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp trước khi trình Quốc hội thông qua.

dai-bieu-bieu-quyet.jpg
Quốc hội biểu quyết thông qua các luật tại Kỳ họp.

Cho phép doanh nghiệp thế chấp quyền thuê đất trả tiền hằng năm

Về quyền của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm quy định tại Điều 34, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Có ý kiến đề nghị cho phép doanh nghiệp thế chấp quyền thuê đất trả tiền hằng năm. UBTVQH báo cáo: Dự thảo Luật quy định theo hướng phân biệt giữa trường hợp thuê đất trả tiền một lần thì có quyền sử dụng đất và trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm thì có quyền thuê trong hợp đồng thuê, với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm, người sử dụng đất chỉ có quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất.

Theo đó, dự thảo Luật được Quốc hội thông qua quy định, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm được quyền: Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật; Bán hoặc cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Trường hợp bán tài sản thuộc sở hữu của mình và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 46 của Luật này.

Người mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được tiếp tục thuê đất theo mục đích đã được xác định và thời hạn sử dụng đất còn lại, được kế thừa các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định.

Cho thuê lại quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; người thuê lại quyền sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Ban hành bảng giá đất hằng năm

Liên quan đến quy định về bảng giá đất (Điều 159), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, có ý kiến đề nghị quy định bảng giá đất 5 năm 1 lần như luật hiện hành và hằng năm biến động thì điều chỉnh hệ số K. Đây là nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, trình Quốc hội thảo luận nhiều lần trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

vu-hong-thanh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Kỳ họp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Luật Đất đai năm 2013 quy định, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường; tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường. Thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo Luật quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất. Dự thảo Luật cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu về phương pháp thặng dư (điểm c khoản 5 Điều 158), UBTVQH cho rằng: Định giá đất là vấn đề khó, nội dung quy định tại dự thảo Luật đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu ý kiến ĐBQH, nghiêm túc nghiên cứu để thiết kế các phương pháp định giá vừa có tính kế thừa, vừa có tính cụ thể hóa thực tiễn, có đổi mới nhưng phải có tính bao quát để có thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể, lâu dài.

Đây là những quy định mang tính nguyên tắc, xác định rõ về nội hàm và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Các cơ quan đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc tiếp tục quy định tại dự thảo Luật về phương pháp thặng dư. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay nền kinh tế đang phát triển thì việc sử dụng phương pháp thặng dư trên cơ sở ước tính giá trị tương lai là cần thiết vì chưa có sẵn những thông tin dự án tương tự đã hình thành và giao dịch để áp dụng các phương pháp định giá khác. Mặt khác, về cả khoa học và thực tiễn, phương pháp thặng dư hiện vẫn đang được sử dụng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay.

Mai Thoa