THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP:Cú “lội ngược dòng” 2023 và nhiều điểm sáng trong 2024
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 có sự phân hóa khá rõ ràng. Nửa đầu năm, kênh huy động vốn này gần như đóng băng. Nhưng trong 6 tháng cuối năm, thị trường đã phục hồi khá rõ rệt và dự báo khả quan trong năm 2024.
Cú “lội ngược dòng” trong nửa cuối năm 2023
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 22/12/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành được ghi nhận đạt gần 274.000 tỷ đồng, trong đó 90,1% là trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Thị trường TPDN năm 2023 có phân hóa khá rõ ràng. Nửa đầu năm, kênh huy động vốn này gần như đóng băng. Quý I/2023, thị trường gần như không có đợt phát hành TPDN nào, lượng TPDN phát hành của cả 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 43.000 tỷ đồng. Nhưng trong 6 tháng cuối năm, thị trường đã phục hồi khá rõ rệt. Tổng lượng TPDN phát hành 6 tháng cuối năm cao gấp gần 6 lần lượng phát hành nửa đầu năm. Ngân hàng là nhà phát hành lớn nhất thị trường (chiếm khoảng 54% tổng giá trị phát hành), bất động sản là nhóm ngành đứng thứ hai.
Năm 2023 cũng ghi nhận doanh nghiệp phát hành “ròng rã” mua lại TPDN trước hạn. Theo dữ liệu của VBMA, tính đến ngày 22/12/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 231.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022, bằng gần 85% giá trị phát hành. Ngân hàng là bên mua lại TPDN lớn nhất, chiếm gần một nửa tổng giá trị mua lại trước hạn.
Một điểm nhấn nữa là sàn giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức đi vào vận hành. Theo thống kê của HNX, tính đến hết ngày 28/12/2023, khối lượng đăng ký giao dịch đạt gần 717 triệu trái phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 208.000 tỷ đồng.
Nhìn chung, năm 2023 vẫn là năm khó khăn với thị trường TPDN. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, thị trường TPDN năm 2023 vẫn là “sân chơi” chủ yếu của các định chế tài chính, khi bên phát hành lẫn bên mua chủ yếu là ngân hàng thương mại. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa quay trở lại kênh này. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2023, nhà đầu tư cá nhân chỉ mua 6,8% tổng lượng TPDN phát hành.
Tuy vậy, thị trường TPDN đã thoát khỏi thời điểm khó khăn nhất. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phục hồi rõ nét của thị trường TPDN 6 tháng cuối năm cho thấy, các nhóm chính sách vừa qua với thị trường TPDN đã phát huy hiệu lực, nhất là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP. Quyết sách chưa có tiền lệ này, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi TPDN sang bất động sản) đã giúp doanh nghiệp phát hành “thoát hiểm”.
Đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực
Dù đã qua thời điểm khó khăn nhất, song thị trường TPDN năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức. Năm 2024 là đỉnh đáo hạn của TPDN với khối lượng kỷ lục, cũng là năm các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) chính thức triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08).
Theo ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Khối Thông tin tài chính (FiinGroup), lượng TPDN đáo hạn năm 2024 (cả gốc và lãi) khoảng 380.000 tỷ đồng, trong đó 70% tập trung vào 2 nhóm ngành chính là bất động sản và ngân hàng; riêng lượng TPDN bất động sản đáo hạn hơn 110.000 tỷ đồng.
Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng nợ trái phiếu. Theo thống kê của MBS, tính đến ngày 22/12/2023, có khoảng 103 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, chiếm tỷ lệ gần 19% tổng dư nợ toàn thị trường, 70% là của nhóm doanh nghiệp bất động sản. Ngoài lượng đáo hạn lớn, năm 2024, các doanh nghiệp phát hành có thể phải chính thức tuân thủ các quy định khắt khe của Nghị định 65 do một số quy định giãn, hoãn của Nghị định 08 hết hiệu lực.
Bên cạnh thách thức, thị trường TPDN năm 2024 vẫn có nhiều điểm sáng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2024, lãi suất của Mỹ, châu Âu… có thể sẽ giảm, kéo theo dòng vốn chảy về các nước đang phát triển có khả năng phục hồi như Việt Nam. Lãi suất trong nước năm 2024 cũng dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN.
Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư VIS Rating cũng đưa ra quan điểm tương tự. Theo đó, năm 2023, VND mất giá ước tính 2,75% so với USD, nhưng sang năm 2024, khi xu thế siết chặt tiền tệ toàn cầu chính thức kết thúc, diễn biến giảm giá của VND sẽ không quá 2%.
Ông Minh đồng thời khẳng định với những diễn biến đến hiện tại, hoàn toàn không cần phải lo lắng về vấn đề lạm phát trong năm 2024 bởi giá dầu và giá lương thực không tác động đẩy cao CPI trong năm 2024. TPDN hai năm qua đã trở thành “điểm nghẽn” tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nhưng đầu năm 2024 đang có dấu hiệu phục hồi.
Dấu hiệu phục hồi xuất xuất hiện từ cuối tháng 7/2023 đến nay, trong đó tính chung tổng giá trị trái phiếu phát hành trong năm 2023 đạt 309.000 tỷ đồng, cao hơn tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành cùng năm và cao hơn giá trị trái phiếu phát hành năm 2022.
Theo chuyên gia Trần Lê Minh, lượng lớn TPDN, phần lớn trong lĩnh vực bất động sản, đã được kéo dài thời gian trả nợ, trung bình khoảng 21 tháng, tức là thời gian trả nợ được lùi sang năm 2025 và 2026. Cùng với giải pháp pháp lý - kỹ thuật này, Chính phủ đang tích cực bơm thêm tín dụng vào nền kinh tế để giúp các doanh nghiệp bất động sản bán được hàng, có dòng tiền trả nợ khi trái phiếu đáo hạn. Đây là giải pháp xử lý rất hợp lý và toàn diện của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện 1177/CĐ-TTg/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả, kịp thời, quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường TPDN, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.