Có một miền ký ức thơm tho mùi Tết
Thường thì nỗi nhớ bao giờ cũng song hành với sự xa cách. Nhưng nỗi nhớ Tết trong tôi ngộ lắm. Tết càng đến gần, tôi lại càng nhớ Tết. Và bao giờ nỗi nhớ cũng tinh khôi mặc dù có những thứ đã qua từ rất lâu, đã thuộc về ký ức, cũ kỹ và lạc thời.
Mùi của pháo
Thứ lạc thời được gọi tên là “nỗi nhớ” mà tôi luôn cất giữ như cất giữ một khung trời thơ ấu ngày mỗi vợi xa, có lẽ là mùi của pháo. Cái mùi nồng nồng, khen khét nhưng có một sức quyến rũ lạ kỳ với tôi.
Đã rất nhiều cái Tết trôi qua, tiếng pháo nổ đì đùng, giòn giã, liên hồi không dứt, pháo nổ tạo thành những mảnh sáng tung tóe trên bầu trời trong đêm giao thừa… không còn nữa. Khoảnh sân trước nhà ngập đầy xác pháo đỏ tươi pha lẫn sắc vàng của những cánh mai rụng, rải lác đác đẹp như một bức tranh được pha màu bởi bàn tay người họa sĩ tài hoa… cũng chỉ còn là ký ức, là kỷ niệm của một thời, thậm chí của một thế hệ và không thể nào quay lại được. Câu đối dân gian “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” cũng trở nên lạc lõng và dần ít còn ai nhắc tới.
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được thú vui của bọn trẻ con chúng tôi ngày đó là thức đợi giao thừa, rủ nhau đi vòng xóm, xem nhà nào treo dây pháo dài nhất, chờ pháo nổ xong, hùa nhau chen lấn, tranh lượm pháo xịt. Bao giờ tôi cũng háo hức rồng rắn theo chúng bạn. Nhưng trong khi “tụi nó” giành nhau lượm pháo xịt, pháo sót thì tôi lại đứng say sưa hít hà mùi pháo còn quanh quất trong một “khung trời vời vợi thơm tho”. Với tôi, cái mùi xác pháo ấy mới chính là mùi Tết chứ không phải mùi kẹo mứt, bánh tráng bánh phồng hay thịt kho dưa giá.
Ngày 01/01/1995, lệnh cấm pháo có hiệu lực. Lúc ấy tôi đã ý thức được việc làm này mang ý nghĩa tích cực đối với thực tế xã hội. Nhưng thú thật, tôi vẫn nghe một nỗi buồn man mác xen lẫn một chút nuối tiếc ngẩn ngơ xâm chiếm cõi lòng.
Cái Tết cuối cùng trước khi giã từ tiếng pháo - bấy giờ chụp hình còn là một thú chơi xa xỉ ở chốn nhà quê - nhưng tôi đã “mướn thợ” về chụp lại cảnh đốt pháo giao thừa để làm kỷ niệm. Tôi nhớ trong nhà hôm ấy còn bao nhiêu pháo, tôi đem chia hết cho đám trẻ con trong xóm. Trong khi bọn trẻ hớn hở reo hò, tôi lại ngồi lặng lẽ hít hà mùi thuốc pháo, vẫn là “một khung trời vời vợi thơm tho”.
Bây giờ, mỗi lần đứng trên tầng cao của tòa nhà chung cư ngắm những bông pháo hoa lộng lẫy sắc màu trên bầu trời đêm ba mươi, tôi vẫn thèm hít hà mùi pháo tanh nồng khen khét tan trong cái lạnh của những mùa Tết xưa.
Mùi sơn
Một thứ mùi nữa mà mỗi khi ngồi tua lại ký ức của mình trong những ngày cạn năm tôi thường dừng lại rõ lâu đó là mùi sơn. Hồi đó, năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu tháng Chạp là cả xóm tôi rộn rịp sửa sang quét dọn nhà để ăn Tết. Đặc biệt là sơn lại các cánh cửa “mặt tiền”. Vì ở sát vách nhau, không lẽ nhà kế bên “mới tinh” mà nhà mình lại “cũ xèm”. Thế là hầu như nhà nào cũng sơn.
Xóm nhà tôi hồi đó là một xóm lao động nghèo thành thị, không ai mướn thợ, công việc sơn cửa thường do người đàn ông trong nhà tranh thủ làm mỗi ngày một ít nên thường kéo dài cả tháng. Cả tháng trời, giáp xóm sực nức mùi sơn. Mùi sơn dầu trộn với mùi xăng trở thành một thứ mùi đặc trưng trong những ngày giáp Tết.
Trước khi chờ thằng em trai kế lớn lên, nhiều năm tôi làm trợ thủ đắc lực cho ba. Đến nỗi mấy chục năm sau, tôi vẫn nhớ cái ký hiệu ghi trên thùng sơn Bạch Tuyết màu xanh nước biển. Lúc nào không bị ba sai vặt, tôi lại ngồi kế bên chăm chú nhìn ba tỉ mẩn cầm cây cọ ướt nước sơn luồn vô từng cái lá sách của cánh cửa gỗ.
Cho đến khi đọc thấy khoa học chứng minh rằng mùi sơn có nguy cơ làm nhiễm độc, dị ứng, hoặc gây ra các bệnh về hô hấp đối với con người… thì mùi sơn đã kịp trở thành mùi Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
Mùi trầm hương
Rồi tôi lớn lên, ba tôi già đi, ông bà nội tôi cũng qua đời. Giữ nếp nhà, chiều 30 Tết năm nào, ba tôi cũng cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết. Kể từ giây phút đó cho đến hết 3 ngày Tết, trên bàn thờ nhà tôi, lúc nào cũng nghi ngút khói hương.
Ngày đó, nhang thường thoang thoảng mùi trầm chứ không bị tẩm ướp nồng nặc mùi thơm hóa chất như bây giờ. Không riêng gì nhà tôi, bất kỳ gia đình Việt Nam nào, 3 ngày tTết, khu vực bàn thờ cũng được trang hoàng chỉn chu, lộng lẫy nhất. Bởi đây là nơi trú ngụ của hồn thiêng sông núi, nơi ông bà tổ tiên linh hiển về tề tựu sum vầy, phù hộ cho con cháu có một năm mới an khang thịnh vượng. Từ bàn thờ, khói hương lan tỏa khắp ngôi nhà. Mùi trầm hương vì thế trở thành cái mùi không thể thiếu trong ngày Tết.
Sau giao thừa, mừng tuổi ông bà, cha mẹ xong, theo thông lệ, cả nhà tôi thường đi chùa lễ Phật. Ngôi chùa nằm ngó mặt ra con sông. Trong đêm trừ tịch, mùi hương trầm phảng phất lẫn trong tiếng chuông chùa ngân nga luôn dội vào lòng tôi một nỗi niềm khó tả.
Mùi của nỗi nhớ
Mùi Tết là thứ mùi tổng hợp của những nỗi nhớ. Có thể với người này nó đơn giản là mùi cây mùi già hay mùi bông bưởi, là sả lá chanh… đun lên thơm ngát để tắm trong chiều 30 Tết… Với người kia là mùi hoa đào, hoa mai, mùi bánh mứt, mùi nước mắm đun trên lửa dùng để ngâm thịt heo hay bắp bò, là mùi thịt kho trứng nước dừa… cùng với hàng tỷ thứ mùi khác được gọi là mùi Tết.
Riêng tôi, ngoài mùi pháo, mùi sơn, mùi hương trầm, còn có một thứ mùi Tết nữa, không lẫn lộn với ai. Đó là mùi của… buồng đẻ. Ở đó, ngạt ngào mùi than, mùi dầu khuynh diệp, mùi sữa, mùi tã. Đặc biệt là mùi trẻ sơ sinh trên da thịt con gái tôi ngày còn trong tháng, cái mùi thơm thiêng liêng của tình mẫu tử… Một mùi Tết đặc biệt. Bởi con gái tôi được sinh ra vào một ngày cận Tết cách đây 42 năm.
Mùi Tết như thể một thứ dây leo, tưởng úa tàn trong nắng gió, nhưng chỉ cần một cơn mưa xuống, nó lập tức hồi sinh, xanh tốt, tinh khôi. “Đã thấy xuân về trong gió đông…”. Mùa xuân đang đến thật gần có nghĩa là nỗi nhớ mùi Tết trong tôi đang giàn giụa. Với bạn, Tết có mùi gì?
Tết Giáp Thìn 2024