TAND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024
Ngày 26/1, TAND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hòa giải, đối thoại năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đào Sỹ Hùng, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội.
Cùng tham dự Hội nghị còn có các Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội, đại diện các Tòa chuyên trách, Phòng nghiệp vụ và hòa giải viên của TAND hai cấp TP. Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh án TAND TP. Hà Nội Đào Sỹ Hùng cho biết, phương thức hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.
Hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
“Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành”, Phó Chánh án Đào Sỹ Hùng cho biết.
Vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Theo báo cáo của TAND TP. Hà Nội, kết thúc năm công tác 2023, các đơn vị thuộc TAND hai cấp TP. Hà Nội đã chuyển sang các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án 9.427 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; đã giải quyết 8.168 đơn.
Cũng theo TAND TP. Hà Nội, căn cứ vào số lượng án phải giải quyết, TAND hai cấp TP. Hà Nội được phân bổ tối đa là 495 hòa giải viên.
Tuy nhiên, hệ thống các trung tâm hòa giải, đối thoại còn thiếu rất nhiều hòa giải viên so với định mức. Số lượng hòa giải viên thực tế đến nay chỉ là 171 người, trong đó, cấp thành phố 14 hòa giải viên, các đơn vị cấp huyện có tổng số 157 hòa giải viên.
Việc thiếu hòa giải viên không đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra với số lượng các vụ việc dân sự, hành chính đang rất lớn và thực tế tăng mạnh theo từng năm, tiến độ giải quyết đơn khởi kiện của công dân bị chậm, muộn, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều cả về hiện tại và lâu dài.
Ngoài ra, hiện chưa có con dấu riêng cho công tác hòa giải, đối thoại; các văn bản do hòa giải viên gửi cho đương sự chỉ có chữ ký của hòa giải viên và đóng dấu treo Toà án nơi hòa giải viên làm việc, do đó, tạo tâm lý không tin tưởng của người dân khi nhận được thông báo của hòa giải viên.
Đối với các trường hợp tranh chấp dân sự phức tạp, người dân còn tâm lý e ngại, sợ khó thi hành tại giai đoạn thi hành án nếu một trong các bên không thực hiện đúng theo kết quả hòa giải.
Công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình hòa giải, đối thoại các tranh chấp hành chính còn hạn chế: đại diện một số cơ quan thường có văn bản đề nghị vắng mặt.
Đối với các tranh chấp đất đai, các cơ quan hữu quan chậm có văn bản hoặc không có văn bản trả lời... dẫn đến kéo dài thời gian hòa giải, đối thoại tạo tâm lý không tốt cho người khởi kiện.