Xuất khẩu lao động bứt phá, lập kỷ lục mới
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ước tính cả năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, số lượng cao nhất từ trước đến nay và tăng 8,55% so với năm 2022.
Số lượng người đi làm việc ở nước ngoài cao nhất từ trước đến nay
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xem là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một bộ phận của hợp tác quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước.
Việt Nam hiện có hơn 500 doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép đưa người lao động đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ làm việc, trong đó từ năm 2010 đến nay đã đưa trên 1,4 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn.
Bình quân mỗi năm, các cơ quan, doanh nghiệp đưa khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt khoảng 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được chú trọng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp.
Bình quân mỗi năm, khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc; lượng kiều hối từ lực lượng lao động này gửi về đạt 3,5-4 tỷ USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Năm 2023, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn.
Một số địa phương đã tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho người lao động hoàn thành hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước.
Ước tính cả năm 2023, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 146.156 lao động (50.561 lao động nữ), trong đó thị trường Nhật Bản: 74.354 lao động (31.592 lao động nữ), Đài Loan (Trung Quốc): 54.769 lao động (16.820 lao động nữ), Hàn Quốc: 7.830 lao động (537 lao động nữ), Trung Quốc: 1.785 lao động nam (02 lao động nữ), Hungary: 1.463 lao động (695 lao động nữ), Singapore: 1.333 lao động nam, Romania: 804 lao động (143 lao động nữ), Ba lan: 760 lao động (136 lao động nữ) và các thị trường khác.
Hướng tới các thị trường mới
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống, điểm sáng của công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là việc tăng cường, mở cửa thêm cơ hội việc làm cho lao động tại các nước châu Âu. Điển hình là tại Hungary, số lượng lao động sang làm việc tại thị trường này tăng trong dần theo các năm, trong đó số lượng lao động xuất cảnh năm 2021 là 465 người, năm 2022 là 775 người và đã lên tới 1.148 lao động chỉ trong 9 tháng năm 2023.
Ngoài các thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan Hàn Quốc, Bộ đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như: Ba Lan, Slovakia, Croatia...
Một thị trường khác trong khu vực châu Âu cũng đang bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc là Hy Lạp. Bộ LĐTB&XH đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp về việc thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Bộ đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để cung ứng đi làm việc tại Hy Lạp trong ngành nông nghiệp.
Nhận định về cơ hội cho lao động Việt tại thị trường châu Âu, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Đức và nhiều quốc gia ở châu Âu không tiếp nhận lao động phổ thông từ nước ngoài nhưng sẵn sàng trả lương, miễn phí đào tạo để có được lao động tay nghề theo tiêu chuẩn đào tạo của họ. Tại Đức, những ngành nghề đang thiếu hụt lao động lành nghề gồm: Điều dưỡng, xây dựng, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm... Tùy ngành nghề mà người lao động được đào tạo từ 2 đến 3 năm theo hệ thống đào tạo nghề kép, 30% học lý thuyết tại cơ sở đào tạo; 70% học thực hành tại DN... để khi tốt nghiệp, họ có thể làm việc ở DN mình được đào tạo.
"Dự báo khi châu Âu ổn định dần cũng sẽ tăng tuyển lao động Việt Nam. Tuy nhiên, các nước châu Âu có yêu cầu bắt buộc lao động đã có tay nghề, trình độ nhất định. Về lâu dài, chúng ta xác định chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn học hỏi kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ. Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất phải đào tạo 6 tháng trở lên, nâng dần tỉ lệ qua đào tạo từ 60% lên 80% vào năm 2025", ông Phạm Gia Liêm cho biết.
Chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao
Theo Bộ LĐTB&XH, trong năm 2024, nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, ổn định, duy trì các thị trường hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam.
Công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động cũng sẽ được chú trọng; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Bộ cũng sẽ theo dõi, nắm bắt thông tin về lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ người lao động về nước đúng hạn hòa nhập thị trường lao động trong nước.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 9/9/2021 của Ban Bí thư về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam. Bộ cũng hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, phát huy vai trò, tiềm năng của lực lượng lao động ở nước ngoài là vấn đề Chính phủ đã có chỉ đạo trong các Nghị quyết. Bộ LĐTB&XH cũng đã và đang thực hiện các giải pháp, như xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng sàn giao dịch việc làm cho người lao động.
Bộ cũng kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như với trường hợp lao động ở Nhật Bản về nước thì có thể vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phù hợp hơn, người lao động cũngphát huy được năng lực, kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu quy định bổ sung hình thức đưa lao động theo diện ngắn hạn, thời vụ, theo mùa..., nhằm tận dụng sở trường của người lao động.
Giải pháp nữa cũng được tính đến là tạo điều kiện cho nhóm đối tượng đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn tiếp tục sản xuất, kinh doanh sau khi trở về; thu hút lượng lao động có kỹ năng sau khi về nước.
Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH cũng xúc tiến thực hiện những chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động.
Trong năm 2023, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc về bảo hiểm xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định, và ngày 8/12/2023 Bộ đã ký Thỏa thuận hành chính với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc để chính thức triển khai Hiệp định từ ngày 1/1/2024.
Đây là Hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này và cũng là Hiệp định song phương đầu tiên về bảo hiểm xã hội của Việt Nam với một quốc gia khác. Với việc Hiệp định và Thoả thuận hành chính sẽ cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lao động hai nước khi di chuyển đến làm việc trên lãnh thổ của mỗi bên, bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động của hai nước.
Bên cạnh việc quy định về tránh đóng song trùng bảo hiểm xã hội, người lao động hai nước sẽ được tính cộng gộp thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ở cả Việt Nam và Hàn Quốc để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí.