Chính sách tài khóa tích cực hỗ trợ nền kinh tế vượt khó
Năm 2023 ghi nhận sự chủ động, tích cực của ngành tài chính trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), nền kinh tế. Bộ đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Nhân dịp kết thúc năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về một số kết quả trong công tác điều hành chính sách tài khóa trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Năm 2023 với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp
Xin Bộ trưởng phân tích sự chủ động, tích cực của ngành tài chính trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, DN năm 2023?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Có thể nói trong suốt giai đoạn từ 2020 đến thời điểm hiện tại, trước các tác động tiêu cực do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiều tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN, với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đó là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí để hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế.
Chúng tôi đã trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 60 VBQPPL (trong đó có: 11 Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; 19 Nghị định của Chính phủ; 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 26 Thông tư của Bộ Tài chính).
Năm 2023, để kịp thời, thực hiện chủ trương của Chính phủ cũng như chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ tài chính tiêu biểu như: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% . Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuế được giảm khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Để giải pháp này nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với DN, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng...
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03/10/2023 về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nhu cầu chi cho an sinh xã hội tạo ra thách thức lớn đối với cân đối NSNN thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ DN, người dân của Bộ Tài chính.
Tôi cho rằng đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực, hiệu quả của chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Dù hỗ trợ tốt cho nền kinh tế, nhưng tính đến hết ngày 25/12/2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán 4,5%. Nếu tính kể cả số thuế miễn giảm thì thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9-10% so với dự toán Quốc hội giao.. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch, sức chống chịu của DN đến hạn, kết hợp với việc tiếp tục thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân, tôi cho rằng kết quả thu NSNN cả năm như trên là kết quả hết sức tích cực, là dấu ấn quan trọng trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2023.
Khôi phục kênh dẫn vốn theo hướng bền vững hơn
Năm 2023, thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán, trái phiếu DN tiếp tục trầm lắng và đối mặt với nhiều khó khăn. Bộ Tài chính có những giải pháp gì đang và sẽ triển khai trong thời gian tới để hỗ trợ kênh dẫn vốn quan trọng này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), mặc dù đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chính trị thế giới, TTCK Việt Nam vẫn cho thấy vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tổng mức huy động vốn qua TTCK năm 2023 có sự tăng trưởng cả về giá trị đăng ký phát hành và giá trị thực tế phát hành so với năm 2022. Tính đến ngày 30/11/2023, tổng giá trị đăng ký phát hành cổ phiếu và trái phiếu qua UBCKNN đạt 103.697 tỷ đồng, tăng 59% so với mức đăng ký cùng kỳ năm 2022; tổng giá trị thực tế phát hành đạt 77.362 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.
Chúng tôi cho rằng dư địa huy động vốn của DN qua TTCK vẫn còn lớn. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo UBCKNN rà soát tổng thể khung pháp lý về chứng khoán và TTCK để tạo điều kiện cho DN huy động vốn qua TTCK. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng đối với thị trường trái phiếu DN (TPDN), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường TPDN, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả. Các chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn.
Đây cũng là văn bản pháp lý tiền đề làm cơ sở để các bộ, ngành tiếp tục ban hành các văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn ngắn hạn của thị trường tài chính. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường thanh tra, giám sát, đẩy mạnh việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để lành mạnh hóa thị trường. Công tác tuyên truyền về thị trường TPDN cũng được Bộ Tài chính tích cực triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ đó, các chủ thể tham gia thị trường đã tăng cường tính tuân thủ pháp luật, minh bạch hơn trong hoạt động. Những sự thay đổi này sẽ góp phần phát triển thị trường theo chiều sâu, đảm bảo thị trường phát triển an toàn, hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, DN tăng nhu cầu tiếp cận vốn để đầu tư, việc phát triển thị trường TPDN là rất cần thiết để cung ứng nguồn vốn dài hạn, bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng. Với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, hiện nay, thị trường TPDN đã bước đầu hồi phục và đạt một số kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 11/2023, đã có 77 DN phát hành với khối lượng 220 nghìn tỷ đồng. Các DN đã tích cực bố trí nguồn lực thanh toán TPDN đến hạn và thực hiện đàm phán với nhà đầu tư cũng như tái cơ cấu và gia hạn TPDN nhằm giảm áp lực trả nợ gốc, lãi khi TPDN đáo hạn. Khối lượng mua lại TPDN tính đến hết tháng 11/2023 đạt 207,5 nghìn tỷ; gần 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 DN đã có phương án đàm phán.
Với quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự vào cuộc chung tay của các DN, người dân, thị trường bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu DN còn nhiều dư địa phát triển và sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả
Dự báo kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng đặt kỳ vọng gì về nền kinh tế năm tới và Bộ sẽ tiếp tục có tham mưu gì cho Chính phủ trong điều hành chính sách tài chính – NSNN?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dự báo năm 2024, khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề. Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội.
Trong đó đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy. Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành tài chính sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp:
Trước hết, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế...
Ba là, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia,…
Bốn là, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.
Năm là, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu DN, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến... Trước mắt trong thời gian ngắn tới đây, chúng tôi chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sao cho bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh trước, trong và sau Tết diễn ra bình thường. Triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 ngay từ đầu năm để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(ghi)