Mục tiêu đến năm 2030: Đồng Tháp trở thành điểm đến có sức cạnh tranh lớn trong vùng ĐBSCL
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Quyết định ban hành Đề án phát triển du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án nhằm định vị hình ảnh địa phương gắn với 6 trụ cột trọng tâm phát triển của tỉnh, gồm: chính quyền, du lịch, nông nghiệp, cơ hội đầu tư, cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp.
Từ đó, tạo dựng một hình ảnh Đồng Tháp nhất quán, định vị thương hiệu rõ ràng, hấp dẫn và độc đáo dựa trên những điều kiện kinh tế đặc thù, lợi thế, giá trị văn hóa, lịch sử, con người và tài nguyên thiên nhiên khác biệt.
Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống nhận diện thương hiệu, có biểu tượng, thông điệp, biểu ngữ hình ảnh đại diện cho toàn hệ thống chính trị, biểu ngữ cổ động tuyên truyền trên toàn địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đến năm 2027, hoàn thành xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: “Sen Tháp Mười”, “Xoài Cao Lãnh”, “Cá tra Hồng Ngự”, “Hoa Sa Đéc”, “Quýt hồng Lai Vung”, “Nhãn Châu Thành”. Đến năm 2030, Đồng Tháp trở thành điểm đến có thương hiệu mạnh của cả 6 trụ cột trọng tâm, có sức cạnh tranh lớn trong vùng ĐBSCL.
Quyết định nêu rõ định hướng xây dựng 4 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch Đất Sen hồng tại trung tâm TP Cao Lãnh; không gian du lịch sắc màu vùng biên tại TP Hồng Ngự; không gian du lịch thủ phủ hoa lấy TP Sa Đéc làm trọng tâm kết nối với 3 huyện: Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành; không gian du lịch Sen Tháp Mười tại các huyện: Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh và Tháp Mười.
Đồng thời, định hướng 13 loại hình du lịch; 7 bộ sản phẩm du lịch nông nghiệp; 4 sản phẩm du lịch sinh thái; 4 sản phẩm du lịch văn hóa; 4 sản phẩm du lịch tâm linh; du lịch chính quyền; du lịch chăm sóc sức khỏe; sản phẩm công viên chuyên đề lúa, hoa và Sen; du lịch cộng đồng; du lịch làng nghề; du lịch “trải nghiệm cuộc sống vượt thời gian”...