Đời sống

Cần tiếp tục tổ chức thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Nhật Minh 25/12/2023 - 19:52

Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật đề nghị, trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, các Sở Tư pháp cần tiếp tục quan tâm tổ chức thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tiến hành phân loại các địa bàn đã làm tốt, địa bàn chưa làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

dsc_2358.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội thảo.

Ngày 25/10, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp cho biết, Hội thảo nhằm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được; làm rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; qua đó, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.

Giải quyết kịp thời tranh chấp, bất đồng ở địa phương, góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững

Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp khẳng định, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

dsc_2322.jpg
Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý; hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; từ đó góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững.

Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên có cơ hội lồng ghép PBGDPL, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở; khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác hòa giải ở cơ sở trong giữ gìn, vun đắp tình làng nghĩa xóm, xây dựng cơ sở, khu dân cư ngày càng ấm no, yên bình, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các hòa giải viên để hoạt động hòa giải có hiệu quả.

Các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả phù hợp với đặc điểm của địa phương như các tổ hòa giải, tổ hòa giải điển hình tiên tiến, câu lạc bộ hòa giải, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải 05 tốt. Cụ thể, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiện được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, hàng năm, đội ngũ công chức quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở từ Trung ương đến địa phương được duy trì, đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đã tại điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải đi vào nền nếp và đạt hiệu quả. Mạng lưới tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia.

Cần tiếp tục quan tâm tổ chức thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.

Cụ thể, Đại diện Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đời sống sinh hoạt cộng đồng.

dsc_2391.jpg
Đại diện Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng, đề nghị cần tăng cường công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương; đồng thời tranh thủ vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo làm nòng cốt trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở…

dsc_2402.jpg
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng trình bày tham luận tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, đại diện các đơn vị như Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an; Hội Người cao tuổi; Sở Tư pháp các tỉnh Đồng Tháp, Thanh Hóa, Đắk Nông; Tuyên Quang… đã có tham luận và chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở trong thời gian tới.

dsc_2414.jpg
Đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trình bày tham luận tại hội thảo
dsc_2495.jpg
Đại diện Hội Người cao tuổi Việt Nam đóng góp ý kiến tại hội thảo

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tại tỉnh Đồng Tháp có nhiều mô hình hòa giải tạo được lòng tin của người dân và nâng cao hiệu quả công tác như: Mô hình “Tổ tư vấn chuyên môn và pháp luật hỗ trợ công tác hòa giải” của huyện Tam Nông, Thanh Bình; Mô hình “Tổ tư vấn cộng động” tại huyện Lai Vung; Mô hình “Phối hợp giữa các tổ hòa giải với hội viên hội luật gia tại địa phương trong công tác hòa giải” tại huyện Hồng Ngự… Tuy nhiên, mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” được xem là mô hình “khởi nguyên” cho sự thành công của công tác hòa giải ở cơ sở của Đồng Tháp.

Đây được xem là mô hình “gốc”, mô hình “mẹ”, từ mô hình này mà manh nha, hình thành nên những cách làm, mô hình khác hay và hiệu quả. Hoạt động của các câu lạc bộ này đã giúp cho hoạt động hòa giải hiệu quả và thực chất hơn. Từng tình huống, vụ việc cụ thể và những kết quả giải quyết thực tế đã rèn luyện những kỹ năng và đúc kết nhiều kinh nghiệm cho các hòa giải viên. Từ đó, khi các hòa giải viên tham gia “Hội thi hòa giải ở cơ sở” được Đồng Tháp tổ chức đều đặn 2 năm/lần thì những kinh nghiệm, cách xử lý tình huống trên sân khấu đều rất sinh động và hấp dẫn. Đó là những chuyện thực tế, người thật, việc thật và cách giải quyết tình huống cũng thật. Từ đó phát huy hơn nữa những giá trị mà hội thi mang lại. Nó đúng nghĩa là “sân chơi” để hòa giải viên chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng hòa giải, có thêm kiến thức pháp luật trong xử lý các tình huống khách nhau trong quá trình hòa giải.

dsc_2418.jpg
Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp trình bày tham luận tại hội thảo

Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp cho biết, với hiệu quả thiết thực mang lại của mô hình, năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã công nhận mô hình “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” là mô hình điển hình, tiêu biểu giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo mỗi huyện phải thành lập ít nhất 01 “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” và sau đó yêu cầu tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình này. Đến nay, toàn tỉnh đã có 106/143 xã, phường, thị trấn, thành lập “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở”, đạt 74,1% số xã, phường, thị trấn có thành lập câu lạc bộ, vượt xa chỉ tiêu Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu và vượt trước thời hạn 2 năm. Đặc biệt, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục nhân rộng đến năm 2024 có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thành lập Câu lạc bộ hòa giải và duy trì hoạt động hiệu quả, với mong muốn đưa công tác hòa giải ở cơ sở của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, nâng cao tỷ lệ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước.

Hiệu quả của “Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở” đã góp phần nâng cao chất lượng và tỷ lệ hòa giải thành ở địa phương. Nếu như năm 2016 tỷ lệ hòa giải thành chỉ đạt 77,45% thì đến năm 2023, tỷ lệ hòa giải thành đã tăng lên 91,79%. Đáng chú ý những năm gần đây, tỷ lệ hòa giải thành lại tăng dần qua các năm. Năm 2021, tỷ lệ hòa giải thành đạt 86,42%; năm 2022 đạt 87,20%; và năm 2023 đạt 91,79%.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong quá trình 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

dsc_2591.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận hội thảo

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, phát huy phương thức giải quyết tranh chấp, vi phạm pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở, trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật, các Sở Tư pháp cần tiếp tục quan tâm tổ chức thực chất, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tiến hành phân loại các địa bàn đã làm tốt, địa bàn chưa làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đối với địa bàn chưa làm tốt, đề nghị cơ quan tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để xây dựng kế hoạch khắc phục, tạo sự chuyển biến trên thực tế; đồng thời cần nghiên cứu đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu trong triển khai.

Theo ông, kinh nghiệm cho thấy, để hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, thì công tác vận động quần chúng, thu hút sự tham gia phối hợp thực hiện của các đoàn thể tại cơ sở có ý nghĩa quan trọng, do vậy, đề nghị Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp tham mưu cho cấp ủy địa phương có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng thuận và sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; trong đó quan tâm đến công tác lựa chọn, bố trí hòa giải viên và thành lập, liên tục rà soát, kiện toàn Tổ hòa giải trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng cơ chế hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật (Mô hình CLB Hòa giải ở cơ sở của Đồng Tháp là ví dụ).

Về chuyên môn, nghiệp vụ của Hòa giải viên, Thứ trưởng đề nghị cơ quan tư pháp thường xuyên theo dõi, đánh giá; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho Hòa giải viên như mô hình phối hợp, phát huy vị trí, vai trò của công an xã, bộ đội biên phòng là cách làm hiệu quả. Đề nghị Cục PBGDPL tổ chức xây dựng, biên tập tư liệu hình ảnh được số hóa về các tình huống pháp luật tiêu biểu để cung cấp cho các hòa giải viên và nhân dân tiếp cận để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của công tác hòa giải ở cơ sở.

Về chế độ, chính sách cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, đề nghị Sở Tư pháp có đề xuất cụ thể với UBND cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo bố trí đáp ứng yêu cầu về kinh phí tối thiểu bố trí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Thứ trưởng cho biết them, qua theo dõi, phối hợp triển khai nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương nhận thấy, các đồng chí Lãnh đạo địa phương, HĐPBGDPL cấp tỉnh rất quan tâm hỗ trợ, bố trí kinh phí và điều kiện đảm bảo theo đề xuất của cơ quan tư pháp.

Ngoài ra, Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” là giải pháp Bộ Tư pháp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác này. Vì vậy, trong năm 2024, ngay khi Đề án được thông qua, Thứ trưởng đề nghị Sở Tư pháp các địa phương kịp thời phối hợp với Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả Đề án.

Nhân dịp này, Hội nghị đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.

Nhật Minh