UBTVQH đồng ý thành lập 2 đơn vị hành chính mới ở Thanh Hóa và Bắc Giang
Sáng nay 13/12, Phiên họp thứ 28 của UBTVQH đã xem xét, quyết định thành lập thị xã Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang và thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Bắc Giang có 10 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện; 209 ĐVHC cấp xã. Huyện Việt Yên có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 02 thị trấn và 15 xã). Tỉnh đề nghị thành lập thị xã Việt Yên trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Việt Yên; đồng thời thành lập 09 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 thị trấn (Bích Động, Nếnh) và 07 xã (Tăng Tiến, Hồng Thái, Quảng Minh, Ninh Sơn, Vân Trung, Quang Châu, Tự Lạn) thuộc huyện Việt Yên.
Kết quả sau khi thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên: tỉnh Bắc Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc; thị xã Việt Yên không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, có 17 ĐVHC cấp xã trực thuộc (gồm 09 phường và 08 xã); 09 phường thuộc thị xã sau khi thành lập không thay đổi về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, hồ sơ Đề án bảo đảm các nội dung theo đúng quy định và UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc cụ thể sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Việt Yên và 09 phường thuộc thị xã Việt Yên.
Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và 09 phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện Việt Yên, Chính phủ sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025, bảo đảm theo đúng Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hoá và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tỉnh Thanh Hóa đề nghị: nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm (đổi tên Minh Tâm thành Hậu Hiền).
Kết quả sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền: Tỉnh Thanh Hoá không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số.
Tương tự như Bắc Giang, hồ sơ Đề án đã bảo đảm các nội dung theo quy định và UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung công việc cụ thể sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền (trên cơ sở nguyên trạng xã Minh Tâm) thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Thay mặt cơ quan Thẩm tra Đề án của hai tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: Ủy ban tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với các lý do như đã thể hiện tại Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Hồ sơ Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định.
Việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên đã bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ các nội dung này đã được chuẩn bị đầy đủ, sau khi thẩm tra, Chính phủ và các địa phương đã có báo cáo giải trình. Đây là hai đề án đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 28, được thực hiện theo quy trình điều chỉnh địa giới hành chính thông thường, Chính phủ và cơ quan thẩm tra có xem xét để đảm bảo từng việc sắp xếp đơn lẻ đều phù hợp với tổng thể trong giai đoạn tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với Bắc Giang, nội dung tập trung vào huyện Việt Yên, đưa huyện này thành thị xã, với dân số không đổi, diện tích không đổi, tổng số đơn vị hành chính không đổi, thành lập 9 phường mới trên cơ sở 7 xã cũ và 2 thị trấn cũ.
Đối với Thanh Hóa, tập trung vào huyện Thiệu Hóa, sau khi sắp xếp, huyện này sẽ giảm 2 xã, tăng 1 thị trấn. Tất cả các tiêu chuẩn, điều kiện đều đã được đáp ứng đầy đủ, chặt chẽ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung trọng tâm trong tờ trình, báo cáo thẩm tra.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hồ sơ các Đề án đã đảm bảo đầy đủ, quá trình chuẩn bị hồ sơ, thủ tục lâu dài…
Hai Đề án hôm nay Chính phủ trình đã đảm bảo đúng thẩm quyền. Công tác thẩm tra 02 Đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng, Báo cáo thẩm tra và tài liệu đi kèm đảm bảo đầy đủ. Ủy ban Pháp luật cũng nêu lên một số ý kiến lưu ý với Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương về việc thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 35 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết 117 của Chính phủ trong giai đoạn tới…