Kinh tế

Bưởi Diễn trồng tại Hòa Bình lần đầu xuất khẩu sang Mỹ

Hoài Anh 07/12/2023 - 10:54

Ngày 05/12, tỉnh Hòa Bình đã chính thức xuất khẩu lô bưởi Diễn đầu tiên sang thị trường Mỹ. Đây là lô bưởi nằm trong đơn hàng 48 tấn được ký kết thành công.

Bưởi Diễn là một trong những đặc sản của Việt Nam và là một cây trồng khá phổ biến được trồng tại Hòa Bình nói riêng. Việc tiến hành xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Mỹ đã mở ra cơ hội phát triển mới cho cây trồng này. Sau bưởi đỏ Tân Lạc, việc bưởi Diễn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Anh, châu Âu, Mỹ đã phần nào khẳng định giá trị, chất lượng của sản phẩm Việt Nam.

Theo đó, sáng ngày 05/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, UBND huyện Lương Sơn, UBND huyện Yên Thủy, CTCP Nông nghiệp RYB tổ chức xuất khẩu chuyến bưởi Diễn đầu tiên với số lượng 16 tấn, trong 3 lô đơn hàng 48 tấn bưởi sang thị trường Mỹ.

dt_51220231627_img_5003.jpg
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT trao chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Thành, xã Cao Dương; tổ hợp tác trồng cây có múi Thanh Hà, xã Thanh Sơn của huyện Lương Sơn.

Bưởi Diễn được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Những quả bưởi được xuất khẩu sang Mỹ phải trải qua nhiều công đoạn, và kiểm định đã đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, độ Brix và 900 hoạt chất về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các dư lượng khác có liên quan đến an toàn thực phẩm do Phòng Kiểm nghiệm được Mỹ chấp nhận cho xuất khẩu.

Sau khi được đưa vào TP.HCM chiếu xạ, những quả bưởi Diễn đầu tiên dự kiến sẽ có mặt trên kệ hàng siêu thị Mỹ sau 35 ngày, gần với thời điểm kiều bào đón Tết Nguyên đán. Điều này rất có ý nghĩa với kiều bào khi được thưởng thức đặc sản quê hương trên mảnh đất xa xứ.

Hiện cây bưởi đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Hòa Bình; trong đó diện tích bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 3.200 ha, chiếm gần 60% diện tích bưởi và chiếm 31% tổng diện tích cây có múi toàn tỉnh. Sản lượng bưởi Diễn năm 2023 đạt trên 52.000 tấn.

Những vùng trồng bưởi Diễn tập trung nhất ở Yên Thủy, Lương Sơn và Kim Bôi. Với quy mô sản xuất và sản lượng ngày càng cao, đòi hỏi công tác tiêu thụ sản phẩm phải thật sự nhịp nhàng, hiệu quả.

Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả một sự cố gắng, nỗ lực trong suốt thời gian dài. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ cơ sở và người trồng bưởi như mở rộng vùng trồng được cấp mã số; thường xuyên giám sát về an toàn thực phẩm và đối tượng kiểm dịch thực vật; tăng cường tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư thiết yếu cho sản xuất, hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GlobaGAP.... Nhờ đó mẫu mã, chất lượng bưởi vùng xuất khẩu đã được cải thiện đáng kể.

Hoài Anh