Kinh tế

Việt Nam thuộc Top 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới

Hoài Anh 04/12/2023 - 18:12

Việt Nam là một trong 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới. Với năng lực sản suất và trình độ công nghệ như hiện nay, Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa trong ngành này.

Gốm sứ được biết đến là một trong các loại vật liệu xây dựng quan trọng, góp phần mang đến những công trình hoàn hảo hơn. Chính vì thế, đây là một trong những vật liệu luôn nhận được sự quan tâm của ngành xây dựng trên toàn thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, với năng lực sản suất và trình độ công nghệ như hiện nay, Việt Nam là một trong 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia có sản lượng gạch ốp lát đứng thứ 4 thế giới. Trung bình hàng năm, công nghiệp sản xuất gốm sứ đã đóng góp hơn 3 tỷ USD/năm cho GDP của Việt Nam.

Doanh nghiệp gốm sứ xây dựng đối mặt với nhiều khó khăn
Việt Nam nằm trong TOP 10 quốc gia sản xuất gốm sứ xây dựng lớn nhất thế giới với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng cao (ảnh minh họa).

Ngành gốm sứ xây dựng của Việt Nam ngoài việc có thể cung cấp đủ nhu cầu thị trường trong nước còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hiện các sản phẩm gốm sứ xây dựng của nước ta đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như khu vực ASEAN, Đông Bắc Á, Mỹ, châu Âu; trong đó, doanh thu xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 220 triệu USD.

Để có được kết quả như hiện nay, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược như Luật Xây dựng, Nghị định về quản lý phát triển vật liệu xây dựng cùng các Thông tư hướng dẫn, Chiến lược Phát triển Vật liệu Xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050… Cùng đó, nhiều chỉ đạo điều hành tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vật liệu xây dựng; trong đó có vật liệu gốm sứ xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Đồng thời, các địa phương cũng tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, đẩy nhanh thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án. Các doanh nghiệp cũng tích cực đầu tư, triển khai đưa vào vận hành nhiều dự án sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đảm bảo nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.

Nếu, năm 1994, tại Việt Nam mới chỉ có một dây chuyền sản xuất gạch ceramic công suất 1 triệu m2/năm được đầu tư tại Công ty Gốm xây dựng Hữu Hưng thuộc Tổng công ty Viglacera với dây chuyền thiết bị của hãng WELKO (Italy).

Đến nay, với sự tham gia mạnh mẽ của hàng chục nhà sản xuất như Tập đoàn PRIME, Viglacera, MIKADO, CMC, NICE CERAMIC… đã góp phần nâng tổng công suất gạch ốp lát Việt Nam, gồm gạch ceramic, granite và gạch cotto đạt trên 800 triệu m2/năm.

Lĩnh vực sứ vệ sinh trong những năm qua cũng có sự phát triển nhanh chóng. Hiện tổng công suất thiết kế các dây chuyền sản xuất sứ vệ sinh tại Việt Nam đạt khoảng 26 triệu sản phẩm/năm. Phần lớn các cơ sở sản xuất sứ vệ sinh có công nghệ hiện đại, đồng bộ, mức độ tự động hóa cao, đạt trình độ tiên tiến thế giới.

Từ năm 2015 đến nay, các dây chuyền đầu tư mới đều có công suất thiết kế từ 0,6-1,2 triệu sản phẩm/năm. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng về sản lượng, công nghệ sản xuất các sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam cũng có những bước tiến nhanh chóng giúp nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Với nguồn nguyên liệu phong phú, dây chuyền sản xuất tiên tiến, các sản phẩm gốm sứ xây dựng của nước ta ngày một đa dạng. Sản phẩm phong phú với những tạo hình độc đáo, thẩm mỹ cao nhiều lựa chọn cùng chất lượng vượt trội nên ngày một được ưa chuộng nhiều hơn.

Hiện ngành gốm sứ xây dựng của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển. Trong tương lai chắc chắn ngành này sẽ còn phát triển cao hơn.

Hoài Anh