Vụ ông Phạm Văn Cường bị kết án oan ở Nam Định: Tòa án đã chấp nhận bồi thường những khoản nào?
Sau khi được minh oan, tính đến nay, ông Phạm Văn Cường (SN 1940; trú tại phường Lộc Hòa, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) đã được Tòa án bồi thường tổng cộng hơn 7,8 tỷ đồng. Đến nay, ông Cường tiếp tục có đơn đề nghị được bồi thường bổ sung một số khoản và đang được Tòa xem xét, giải quyết…
Quan hệ vay tiền bị hình sự hóa
Hồ sơ vụ việc thể hiện, năm 1996, ông Phạm Văn Cường và vợ là bà Phạm Thị Tỉnh (SN 1948) thế chấp ngôi nhà số 30 đường 21A, xã Lộc Hòa (nay là phường Lộc Hòa) cho Ngân hàng Công thương tỉnh Nam Định để vay 200 triệu đồng. Sau khi nợ quá hạn và thấy vợ chồng ông Cường không đồng ý bàn giao tài sản để thanh nợ, ngân hàng đã đề nghị Cơ quan Công an giải quyết theo thủ tục hình sự.
Ngày 22/4/1998, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự với lý do vợ chồng ông Cường không trả khoản nợ cho ngân hàng (200 triệu tiền gốc và gần 61 triệu đồng tiền lãi). Đến ngày 04/9/1998, vợ ông Cường đã tự bán ngôi nhà số 30 đường 21A xã Lộc Hòa được 230 triệu đồng để trả nợ ngân hàng, còn nợ lại gần 31 triệu đồng.
Đầu năm 1999, TAND tỉnh Nam Định xử phạt ông Phạm Văn Cường 30 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” và 6 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” (tổng hợp hình phạt là 36 tháng tù); xử phạt bà Trần Thị Tỉnh 18 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 36 tháng). Buộc ông Phạm Văn Cường và bà Trần Thị Tỉnh phải bồi thường cho Ngân hàng Công thương tỉnh Nam Định số tiền 30.917.000 đồng, chia phần ông Cường phải bồi thường 20.917.000 đồng, bà Tỉnh phải bồi thường số tiền 10.000.000 đồng. Buộc ông Phạm Văn Cường phải bồi thường cho bà Lê Thị Chiến số tiền 5.000.000 đồng.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Phạm Văn Cường và bà Trần Thị Tỉnh không kháng cáo. Chỉ có một số cá nhân được Tòa án cấp sơ thẩm xác định là người bị hại trong vụ án có đơn đề nghị xem xét trách nhiệm bồi thường của các bị cáo.
Tại Bản án phúc thẩm, Toà phúc thẩm TANDTC (nay là TAND Cấp cao) tại Hà Nội quyết định giảm hình phạt đối với cả hai vợ chồng ông Phạm Văn Cường. Theo đó, ông Cường bị xử phạt 1 năm 7 tháng 22 ngày tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa: 4 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”, tổng hợp hình phạt là 1 năm 11 tháng 22 ngày tù (ông Cường được trả tự do ngay tại phiên toà); bà Trần Thị Tỉnh bị xử phạt 6 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 12 tháng.
Ngày 6/6/2002, Viện trưởng VKSNDTC có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm tuyên bố ông Phạm Văn Cường và bà Trần Thị Tỉnh không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Ngày 5/9/2002, Ủy ban Thẩm phán TANDTC có Quyết định giám đốc thẩm huỷ một phần bản án hình sự sơ thẩm và một phần bản án hình sự phúc thẩm, tuyên bố ông Phạm Văn Cường và bà Trần Thị Tỉnh không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Đến ngày 31/12/2004, Chánh án TANDTC có Kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo trình tự giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 06/2005/HĐTP-HS ngày 24/02/2005, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm về phần đã xét xử và kết án ông Phạm Văn Cường về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân”; tuyên bố ông Phạm Văn Cường không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân và đình chỉ vụ án đối với ông Phạm Văn Cường về tội này.
Việc bồi thường được thực hiện ra sao?
Ngày 14/4/2005, vợ chồng ông Phạm Văn Cường có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11.
Giải quyết bồi thường lần 1 vào năm 2006, Tòa Phúc thẩm và ông Phạm Văn Cường đã ký Biên bản thương lượng thành, trong đó: Tổng các khoản vợ chồng ông Phạm Văn Cường được bồi thường (không kể giá trị nhà, đất) là 358.624.000 đồng. Đối với nhà số 30 đường 21A, vợ chồng ông Cường được bồi thường bằng 55,43% giá trị nhà. Diện tích đất đền bù là 340m2 nhưng Hội đồng định giá sẽ căn cứ vào diện tích mua bán và đo thực tế khuôn viên nhà đất để định giá, tính bồi thường. Sau khi có kết quả định giá nhà đất, cơ quan phải bồi thường sẽ ra quyết định bồi thường.
Ngày 19/4/2006, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã có quyết định bồi thường cho vợ chồng ông Phạm Văn Cường tổng số hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó bồi thường thiệt hại về nhà, đất số 30 đường 21A là hơn 1,8 tỷ (Quyết định không nêu cụ thể diện tích đất)
Sau khi nhận tiền bồi thường, đến năm 2008, ông Phạm Văn Cường có đơn kiến nghị cho rằng ông đã bị tính thiếu tiền đền bù thiệt hại, trong đó thiếu 107,9m2 đất (bao gồm 71,1m2 đất ao và 36,8m2 đất thuộc quy hoạch); thiếu tỷ lệ phần trăm giá trị đất (thửa đất rộng 619,9m2 nhưng ông chỉ thế chấp 300m2 đất thổ cư. Còn từ 301m2 trở lên đến 619,9m2 thì vợ chồng ông không thế chấp nên phải được bồi thường 100%).
Năm 2012, tại buổi làm việc với ông Phạm Văn Cường, Lãnh đạo TANDTC kết luận, cần xem xét bồi thường cho ông Phạm Văn Cường phần diện tích 71,1m2 đất với 100% giá trị nhưng sẽ phải thành lập Hội đồng định giá để định giá.
Đối với 36,8m2 thuộc quy hoạch, có hai phương án: Phướng án 1: Sau này Nhà nước thu hồi thì số tiền bồi thường sẽ được trả toàn bộ cho ông Cường chứ không phải ông Diệp (chủ hiện tại). Phương án 2: Xem xét, tính toán trả luôn cho ông Cường theo khung giá đất của Nhà nước. Sau này Nhà nước thu hồi thì không phải trả tiền bồi thường nữa (nếu Bộ Tài chính không đồng ý phương án này thì thực hiện phương án 1).
Tòa phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của ông Cường về việc được hưởng tỷ lệ bồi thường 100% giá trị từ 301m2 trở lên. Tuy nhiên, có thể xin ý kiến để bồi thường thêm cho ông Cường 200m2 đất theo tỷ lệ 55,43% (tức là coi như trước đây đã tính nhưng còn thiếu) theo giá đã được định giá trước đây là 9,6 triệu đ/m2.
Ông Cường nhất trí với phương án trên và đến năm 2013 thì có đơn đề nghị Tòa phúc thẩm ra quyết định giải quyết bồi thường phần 71,1m2 đất đã được định giá (63 triệu đ/m2) và phần 200m2 đất đã thống nhất bồi thường tiếp; riêng phần 36,8m2 đất thuộc quy hoạch, ông Cường đồng ý chờ UBND tỉnh Nam Định sẽ giải quyết sau.
Ngày 02/12/2013, Tòa phúc thẩm TANDTC lập biên bản thương lượng với ông Phạm Văn Cường nhất trí với các nội dung và các khoản bồi thường như nội dung buổi làm việc ngày 14/6/2012, đồng thời nêu rõ: phần diện tích 200m2 đất trước đây chưa bồi thường sẽ tiếp tục được bồi thường với cách tính: 200m2 x 9,6 triệu/m x 55,43% = 1.064.256.000 đồng. Ông Cường không yêu cầu, khiếu nại về khoản bồi thường nào khác.
Ngày 11/02/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC đã ban hành quyết định tiếp tục bồi thường cho vợ chồng ông Cường các khoản, tổng số tiền 5.543.556.000 đồng, cụ thể: Bồi thường 71,1m2 đất với giá 63 triệu đồng/m2; Bồi thường 55,43% giá trị 200m2 đất mà năm 2006 tính thiếu (9,6 triệu đồng/m2 theo định giá năm 2006).
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền bồi thường đợt 2 như trên, ông Phạm Văn Cường lại có đơn yêu cầu bồi thường bổ sung các khoản: tính giá 63 triệu đồng/m2 theo thời điểm năm 2014 đối với 200m2 (việc tính giá năm 2006 là không đúng; Tiếp tục bồi thường diện tích 36,8m2 đất quy hoạch theo giá 63 triệu đồng/m2 (tổng cộng hai khoản là hơn 8 tỷ đồng)
Như vậy, tính đến nay, Tòa án đã có hai lần thương lượng với ông Cường và đã hai lần ra Quyết định bồi thường, chi trả tổng cộng hơn 7,8 tỷ đồng (trong đó có hơn 7,4 tỷ đồng bồi thường giá trị thửa đất là tài sản ông Cường thế chấp trước đây).
Nguyên nhân nào khiến người bị oan 2 lần có đơn khiếu nại việc bồi thường?
Có thể thấy, do các cơ quan tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự, khởi tố, điều tra, truy tố và kết án vợ chồng ông Cường oan về các tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân nên việc vợ công Cường yêu cầu được giải quyết bồi thường oan sai là một yêu cầu chính đáng, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Thực tế, ngay sau khi ông có đơn yêu cầu Tòa án bồi thường oan, sai, Tòa án đã tiến hành thương lượng, bồi thường cho ông Cường về các thiệt hại về tổn thất tinh thần, lương, bảo hiểm xã hội … theo đúng các quy định.
Một trong những nguyên nhân khiến ông Cường nhiều lần có đơn khiếu nại việc bồi thường và việc giải quyết bồi thường kéo dài chính là việc thiếu thống nhất về số diện tích nhà, đất là tài sản mà vợ ông Cường đã bán năm 1998 nêu trên. Cụ thể: Diện tích đất ông Cường được giao trên Giấy năm 1985 là 340m2 (140m2 đất thổ cư và 200m2 đất ao; Đất ông Diệp (người mua) nhận bàn giao năm 1998 là 512m2 (176m2 đất thổ cư và 336m2 đất ao). Tổng diện tích thửa đất gia đình ông Lê Ngọc Diệp hiện nay đang sử dụng là 619,9m2 (trong đó đất ao 389,7m2 và đất thổ cư 230,2m2).
Như vậy, diện tích hiện nay dư so với thời điểm năm 1998 là 107,9m2 nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân do ông Phạm Văn Cường đã sử dụng từ trước hay sau này gia đình ông Lê Ngọc Diệp mua nhà đất xong mới lấn, chiếm mở rộng diện tích). Vì vậy, tại lần bồi thường thứ nhất năm 2006, Tòa Phúc thẩm TANDTC quyết định không tính bồi thường cho ông Cường 107,9m2 nêu trên.
Đến năm 2014 thì Tòa đã đồng ý bồi thường cho Phạm Văn Cường tổng 619,9m2 (gồm cả 107,9m2 đất nói trên nhưng để lại 36,8m2 bồi thường sau vì đất quy hoạch).
Về số diện tích đất ở, qua 2 lần giải quyết bồi thường, Tòa đã coi toàn bộ 619,9m2 là đất ở (gồm cả 36,8m2 đất quy hoạch và đất ao lấn thêm), trong đó có 71,1m2 trong tổng số 107,9m2 dôi dư sau khi ông Cường bán nhà đất cho ông Lê Ngọc Diệp được tính giá tới 63 triệu/m2. Trong khi đó, Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1985 của ông Cường chỉ thể hiện 140m2 đất thổ cư; diện tích đất gia đình ông Lê Ngọc Diệp nhận bàn giao năm 1998 từ ông Cường chỉ có 176m2 đất thổ cư)
Đối với nhà đất được xem xét bồi thường như trên, một số chuyên gia cho rằng, xét về khía cạnh dân sự thì dù vợ chồng ông Cường không bị khởi tố, bắt giam thì tài sản thế chấp là nhà, đất số 30 đường 21A, phường Lộc Hòa vẫn phải được xử lý để thu hồi nợ theo quy định
Vì vậy, nếu nhà, đất trên đã được vợ ông Cường tự nguyện bán vào năm 1998 để trả nợ cho ngân hàng thì quan hệ chuyển nhượng này là hợp pháp, cần được thừa nhận.
Đối với diện tích đất 36,8m2 nằm trong quy hoạch hiện do ông Lê Ngọc Diệp trực tiếp quản lý, sử dụng. Theo quy định, khi Nhà nước thu hồi sẽ bồi thường cho chủ sử dụng tại thời điểm thu hồi. Vì vậy, cần phải xem xét lại việc diện tích này có thuộc diện bồi thường về oan sai cho ông Cường hay không?.
Được biết, hiện nay, TANDTC đang xem xét đơn khiếu nại lần thứ 2 của ông Cường để có phương án thương lượng hợp lý, hợp tình.