Hòa giải ở cơ sở góp phần giữ gìn tình đoàn kết trong nhân dân
Sáng ngày 21/11, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo đánh giá 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL và bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp cho biết, sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được tăng cường, khẳng định tính xã hội sâu rộng và tính nhân văn sâu sắc của hoạt động này trong đời sống xã hội, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội, trong đó có các luật gia, luật sư, những người có kiến thức pháp luật.
Bên cạnh đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng đã góp phần giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp nhỏ, giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ cộng đồng dân cư ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân tại cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đã đạt được, bà Ngô Quỳnh Hoa nhận định, vẫn còn một số vướng mắc, cần có giải pháp, định hướng triển khai để nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải.
Theo Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, hội thảo là cơ hội để những người làm công tác quản lý nhà nước, đại diện các Sở Tư pháp, chuyên gia, những người tham gia công tác hòa giải đưa ra ý kiến, đánh giá về thành tựu đạt được, khó khăn và những kiến nghị, giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc sau 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết, trong 10 năm triển khai thi hành Luật, MTTQ Việt Nam và các thành viên của Mặt trận đã tổ chức được hàng nghìn hội nghị tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở; in ấn, phát hành hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên Cổng thông tin của địa phương pháp luật về hòa giải cơ sở...
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cũng đã chủ động hướng dẫn lồng ghép tuyên truyền pháp luật Hòa giải ở cơ sở trong các hội nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam, hội nghị giao ban định kỳ, hội nghị, gặp mặt các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí đánh giá thực hiện cuộc vận động và các phong trào thi đua góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở.
Đại diện Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội cũng đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Trong khi đó, đại diện Hội Luật gia Việt Nam khẳng định công tác hòa giải ở cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam; đồng thời cho biết thêm về vấn đề tham gia tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; bồi dưỡng kỹ năng hòa giải, tư vấn và trợ giúp pháp lý; xây dựng, củng cố tổ chức và đa dạng hóa các hình thức hòa giải cơ sở.
Đại diện Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội cũng đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị để tiếp tục triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm huy động các cấp xã hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; mở rộng phạm vi hoạt động hòa giải của Hội Luật gia Việt Nam; xây dựng Trung tâm pháp luật cộng đồng.
Tại hội thảo, đại diện một số Sở Tư pháp các tỉnh như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ cũng đã báo cáo, đánh giá các kết quả đã đạt được khi thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và đưa ra các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Từ đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu.
Tuy nhiên, ông Lê Vệ Quốc cũng cho rằng, Luật Hòa giải ở cơ sở vẫn đạt được yêu cầu của thực tiễn, do đó chưa cần thực hiện sửa đổi luật mà chú trọng, thúc đẩy hơn nữa về mặt cơ chế chính sách, về con người, về bồi dưỡng năng lực, kỹ năng; tiếp tục nghiên cứu xây dựng những mô hình cho công tác hòa giải đạt hiệu quả cao.