Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển
Ngày 21/11/2023, Báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức buổi Tọa đàm “Sửa Luật Thủ đô: Tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển”.
Diễn giả tham gia tọa đàm có: TS Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam; TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội; ông Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội.
Trao đổi về sự cần thiết cho công tác sửa đổi Luật Thủ đô lần này, TS Lê Duy Bình cho biết, Luật Thủ đô năm 2012 đã thực hiện đã hơn 10 năm, trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô, thời gian vừa qua Hà Nội đã đạt những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, sau 10 năm đất nước đã có những hướng phát triển mới, Thủ đô có những yêu cầu mới, xuất phát từ thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề về kinh tế, những vấn đề về xã hội, về khoa học giáo dục về y tế…
Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị khẳng định vị trí, vai trò chiến lược quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển đáp ứng sự kỳ vọng, niềm tin tưởng, mong muốn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.
Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chúng ta sẽ xây dựng một Thủ đô Hà Nội đáp ứng được mong mỏi của người dân Thủ đô, đáp ứng được mong mỏi của người dân cả nước vì Thủ đô là trái tim của cả nước. Luật Thủ đô không chỉ phục vụ cho Thủ đô, không chỉ phục vụ cho nền kinh tế Thủ đô mà còn phục vụ cho việc phát triển của cả nước. Như thế, Luật Thủ đô cần những cơ chế mới, những cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển của Thủ đô, một cách nhanh và bền vững đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Đây là cơ sở cần thiết để sửa đổiLuật Thủ đô - TS Lê Duy Bình nêu quan điểm.
Đồng quan điểm TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong đặc thù rất riêng của Hà Nội, Thủ đô của nhiều nước chỉ là trung tâm chính trị, hoặc có thể là trung tâm văn hóa, nhưng Thủ đô Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, vừa là trung tâm văn hóa. Với vị thế đặc biệt đó, năm 2000, Ban Thường vụ Quốc hội đã cho ra Pháp lệnh Thủ đô và đến 2012 thì quy định riêng của Thủ đô được ra đời.
Tuy nhiên, trong Pháp lệnh Thủ đô và Luật Thủ đô năm 2012 đang dừng lại ở quan điểm, chính sách và chưa phải là quy định cụ thể. Từ quá trình chính sách đó để triển khai thực hiện thì chúng ta phải có những quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, một văn bản pháp luật nào đó được đưa ra cần có thời gian, cần được đánh giá, xem xét xem luật này còn thích hợp hay không. Khi luật không còn phù hợp thì tất yếu phải sửa đổi.
Theo TS Nguyễn Ngọc Bích, nhiều quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trình Quốc hội, nếu Quốc hội thông qua, mặc dù nó chỉ là quy định nội dung trong Luật Thủ đô, dành riêng cho Thủ đô Hà Nội, nhưng khi chúng ta thực hiện, nếu luật có những tác động rất lớn và có thể làm thay đổi tư duy của Quốc hội, các cấp chính quyền, thay đổi tư duy của người dân thì luật sẽ trở thành những quy định chung của cả nước.
“Chúng ta đang đi tiên phong, để thực hiện những quy định mới, đến khi những quy định ấy nó đã có thời gian, có minh chứng ở Hà Nội đã thành công thì chúng ta sẽ triển khai một cách rộng khắp” - TS Nguyễn Ngọc Bích nhấn mạnh.
Trao đổi tại toạ đàm, ông Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là một cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới.
Trong 9 nhóm chính sách quan trọng trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đáng chú ý nhất phải kể đến là nhóm chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; cho phép thực các hình thức khác quy định hiện hành (PPP, BT, TOD); quản lý tài sản công và mô hình thử nghiệm có kiểm soát; phân quyền mạnh mẽ về quyết định đầu tư cho thành phố; các quy định thu hút nhà đầu tư chiến lược và các ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.
Theo thống kê, Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô tô các loại), chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông tại Thủ đô. Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến quá tải và ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Hậu quả gây ra là mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô. Do đó, lần sửa đổi này, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định mới về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).
“Quá trình nghiên cứu, làm việc và thảo luận với các chuyên gia trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), gắn với các đặc điểm cụ thể của Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã đưa ra một định nghĩa về TOD mang bản sắc của Thủ đô đó là, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là một giải pháp tổng thể về phát triển đô thị làm cơ sở cho quy hoạch, tái thiết và phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông đường sắt đô thị (ĐSĐT) làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khoẻ cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa”- ông Lê Trung Hiếu cho biết.
Theo Điều 39 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định việc huy động nguồn lực để phát triển ĐSĐT theo TOD. Với quy định này, TP Hà Nội có thể thu được đáng kế tiền từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng công trình ngầm, công trình trên cao trong khu vực TOD để tái đầu tư phát triển đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng của TP.
Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục đề xuất đưa thêm một số quy định vào luật để gia tăng giá trị thu hồi lại từ đất, cụ thể: HĐND TP Hà Nội phê duyệt đề án thu tiền sử dụng phần tăng thêm không gian ngầm và khoảng không trên cao đối với khu dân cư hiện hữu trong khu vực TOD trong trường hợp chủ công trình xin điều chỉnh chiều cao, chiều sâu xây dựng công trình tăng thêm so với chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã phê duyệt trước đó và được cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt điều chỉnh...