Bộ trưởng Bộ GTVT: Sẽ sớm nâng một số cao tốc lên quy mô 4 làn xe
Trong phiên Quốc hội chất vấn ngày 6/11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, đang rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ GTVT, Nghị quyết 100 của Quốc hội yêu cầu đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ hai làn xe hoặc bốn làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp thành đường ô tô phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc theo quy định.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của Bộ trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành GTVT nhận được sự quan tâm rất lớn về việc phân bổ nguồn lực với hơn 300.000 tỷ đồng nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 70% so với nhu cầu), chính vì vậy việc nghiên cứu phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực là cần thiết.
Việc phân kỳ đầu tư mặt cắt ngang trong giai đoạn đầu xây dựng hệ thống đường cao tốc cũng đã được các nước áp dụng rộng rãi (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, một số quốc gia ở Châu Âu).
Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Bộ GTVT đã nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền đầu tư phân kỳ các dự án đường cao tốc trên nguyên tắc: chỉ xem xét phân kỳ đầu tư đối với các tuyến có nhu cầu vận tải chưa cao trong giai đoạn đầu khai thác; chỉ phân kỳ đầu tư về bề rộng mặt cắt ngang…để thuận lợi cho việc mở rộng trong giai đoạn tiếp theo; thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch.
Thực hiện các nguyên tắc nói trên, nhiều đoạn tuyến có nhu cầu vận tải cao đã đầu tư hoàn chỉnh: Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu.
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã rà soát, nghiên cứu các giải pháp để sớm đầu tư, hoàn thiện các tuyến đường đã được phân kỳ đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư mở rộng các tuyến có nhu cầu cấp thiết, đủ điều kiện để triển khai ngay gồm: cao tốc La Sơn - Hòa Liên từ 2 lên 4 làn; cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận…
Đối với các đoạn tuyến khác, Bộ GTVT đang tiếp tục rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các tuyến cao tốc đã được phân kỳ đầu tư để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép triển khai mở rộng khi đủ điều kiện về nguồn lực.
Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị người đứng đầu ngành GTVT làm rõ việc đầu tư có đúng tiêu chuẩn không, tránh dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội.
Bộ trưởng khẳng định tiêu chuẩn đường cao tốc hiện là phù hợp nhưng quy chuẩn thì chúng ta đang điều chỉnh và xây dựng cho phù hợp.
Chia sẻ với tư lệnh ngành GTVT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực có hạn việc phân kỳ đầu tư một số tuyến cao tốc là cần thiết tuy nhiên phân kỳ đối với tuyến nào cần phải xem xét kỹ lưỡng, kể cả đối với tuyến cao tốc có 4 làn xe nhưng không có làn dừng khẩn cấp liên tục như cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc của Việt Nam được chia thành 4 cấp với tốc độ để tính toán thiết kế từ cao nhất đến thấp nhất lần lượt là 120 km/giờ, 100 km/giờ, 80 km/giờ và thấp nhất là 60 km/giờ.
Hiện nay, do khó khăn trong cân đối vốn đầu tư nên nhiều tuyến cao tốc, trong đó có một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được đầu tư phân kỳ (làn dừng xe khẩn cấp gián đoạn, các yếu tố hình học như đường cong đứng, đường cong nằm, độ dốc,… đạt yêu cầu đưa vào cấp ngay từ giai đoạn đầu) và giai đoạn trước mắt được khai thác vận tốc 80km/h, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ mở rộng và khai thác với tốc độ 100 -120km/h.
Trong quá trình đưa các dự án đường cao tốc thực hiện phân kỳ vào khai thác, Bộ GTVT đã nhận diện được vấn đề về tốc độ khai thác trong giai đoạn phân kỳ đầu tư và đã giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và ban hành lại tiêu chuẩn.
Sau khi đánh giá, Bộ GTVT đã cho phép một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, tình trạng giao thông, an toàn giao thông trên tuyến được khai thác đến tốc độ 90km/h. Việc điều chỉnh tốc độ tối đa sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biết.