Thái Nguyên: Phát triển hệ thống giao thông là đòn bẩy để thu hút đầu tư
Ngành giao thông vận tải Thái Nguyên (GTVT) được xác định là một trong những ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng, với sứ mệnh “đi trước mở đường” để thu hút đầu tư, nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Giao thông thuận lợi đón các nhà đầu tư
Sau nhiều năm được đầu tư theo hướng làm “khâu đột phá” để thu hút đầu tư, ngành GTVT Thái Nguyên đã và đang phát triển theo đúng sứ mệnh của mình. Công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT tiếp tục được tăng cường; phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông, bảo đảm trật tự ATGT được phát huy ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, đầu tư đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Công tác triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh được ngành sát sao trong chỉ đạo từ khâu thẩm định đến quản lý chất lượng công trình. Công tác xúc tiến đầu tư về lĩnh vực ngành quản lý được quan tâm, tạo cơ hội thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu thực hiện đầu tư.
Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ “xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội” những năm qua hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải đã được Thái Nguyên quan tâm, kêu gọi đầu tư và đầu tư hoàn chỉnh. Để đến hôm nay, bức tranh toàn cảnh về giao thông vận tải Thái Nguyên đã trở lên đồng bộ, từng bước hiện đại và trở thành lợi thế để các nhà đầu tư tìm đến với Thái Nguyên.
Có được kết quả đó, chính là khâu định hướng “đi trước một bước” được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao trọng trách cho ngành giao thông vận tải trong xây dựng hạ tầng giao thông kết nối. Đến nay, Giao thông Thái Nguyên đã kết nối hoàn chỉnh các tỉnh vùng Việt Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ qua các tuyến giao thông đối ngoại như: Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đường Thái Nguyên – Chợ Mới, đường Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ 3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng), QL 37, QL 17 (Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang), QL 1B (Thái Nguyên – Lạng Sơn), QL 3C (Thái Nguyên – Bắc Kạn).
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 5.000 km đường bộ với trên 200km Quốc lộ và đường cao tốc thảm bê tông nhựa chất lượng tốt; Hơn 1.300km đường tỉnh, đường huyện được rải nhựa và trên 3.000 km đường xã, phường đảm bảo giao thông thuận lợi; Bên cạnh đó, hệ thống đường gom, đường kết nối các Khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống giao thông đối ngoại đã được đầu tư cơ bản, đồng bộ, hiện đại.
Việc khơi thông hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã mở ra những thời cơ mới cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, đặc biệt đối với các dự án FDI. Hệ thống giao thông đồng bộ, mang “tính liên kết, kết nối vùng” trở thành thế mạnh và điểm hấp dẫn, là “điểm đến tin cậy” đối với các nhà đầu tư.
Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã xác định mục tiêu “xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”. Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”, công tác đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2015 – 2020 tầm nhìn đến 2030, ngành Giao thông vận tải tiếp tục xác định tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, tăng tính liên kết vùng theo các trục: Trục dọc phía Bắc (chạy theo hướng Bắc Nam: Đường quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn. Quốc lộ 37 Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang đã được đầu tư trong giai đoạn trước). Trục ngang (Đường Hồ Chí Minh đã đang được đầu tư) và trục dọc phía Tây (Kết nối liên vùng Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Tuyên Quang – Hà Nội đang xem xét, nghiên cứu phương án đầu tư). Đây là các tuyến đường huyết mạch, giúp kết nối và lan tỏa các giá trị công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và văn hóa Thái Nguyên đi các vùng, miền trong khu vực phía Bắc.
Với nhiệm vụ lấy “giao thông làm khâu đột phá”, làm đòn bẩy thu hút đầu tư để Thái Nguyên phát triển nhanh, mạnh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Việt Bắc, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện bài bản các chương trình, dự án về giao thông đồng bộ với những giải pháp tối ưu nhất.
Không chỉ dành nguồn lực cho khu vực đô thị và khu vực công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên luôn huy động tối đa nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông khu vực miền núi, nông thôn. Tính đến năm 2022, tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 120 xã, đạt 87,6%; 52 cầu dân sinh đầu tư theo dự án quản lý đường địa phương LRAMP và 186 cầu treo dân sinh miền núi đã được hoàn thiện giúp giao thương của nhân dân, các dân tộc trong tỉnh được thuận lợi, an toàn.
Tuy đã có bước phát triển nhưng ngành GTVT luôn xác định cần phải tiên phong “đi trước mở đường” hơn nữa trong phát triển hạ tầng giao thông địa phương gắn kết với sự phát triển công nghiệp của tỉnh và của vùng Thủ đô Hà Nội. Trong chiến lược đến năm 2030, ngành GTVT Thái Nguyên xác định tiếp tục phấn đấu để thỏa mãn nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, hạn chế tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường; Có mạng lưới giao thông phù hợp, liên hoàn, liên thông giữa mạng giao thông tĩnh với mạng giao thông quốc gia, khu vực và quốc tế.
Tiếp tục có những chính sách quan tâm cho đầu tư cho hạ tầng giao thông đối ngoại, mang tính chất liên kết vùng như: Đầu tư giai đoạn II đường Hồ Chí Minh đi Tuyên Quang; Đầu tư nâng cấp QL.1B đi Lạng Sơn, QL.37 đi Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn đường cấp IV và cấp III đồng bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ Km31 QL.3 đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; hệ thống đường du lịch Vùng Hồ Núi Cốc; Quan tâm đầu tư đặc biệt tới các dự án giao thông có ý nghĩa kết nối và tạo “cú hích” phát triển ở khu vực phía Nam tỉnh như: Đầu tư hoàn thiện đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc; Tuyến đường trục dọc phía Tây tỉnh Thái Nguyên, kết nối liên vùng Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Tuyên Quang – Hà Nội.
Việc từng bước hoàn thiện đầu tư các tuyến đường giao thông huyết mạch trên sẽ tiếp tục tạo bước đột phá để thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thái Nguyên với lệ thế là tỉnh liền kề vùng Thủ đô Hà Nội. Từ đó tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng và góp phần chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng bền vững, gắn kết công nghiệp với khai thác, phát triển cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây Nam tỉnh Thái Nguyên nói riêng, khu vực phụ cận Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang nói chung.
Với những đột phá về hạ tầng giao thông trong những năm gần đây, diện mạo của tỉnh Thái Nguyên đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Đó chính là động lực để tỉnh Thái Nguyên ngày càng vươn cao, phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.