Huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững
Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trình bày trước Quốc hội Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển KTXH, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.
Một số chỉ tiêu KTXH chủ yếu giai đoạn 2021-2023 dự kiến có sự thay đổi tích cực hơn so với giai đoạn 2016-2018. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, dự báo kinh tế nước ta sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết.
Trong đó, nổi bật là nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Xuất siêu 8 năm liên tiếp, năm 2021 đạt 3,5 tỷ USD, năm 2022 đạt 12,1 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 15 tỷ USD.
Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt 8.479,7 nghìn tỷ đồng (khoảng 366,1 tỷ USD); năm 2022 ước đạt 9.513,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 408,7 tỷ USD); năm 2023 ước đạt 10.286,8 - 10.384,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 435,4 - 439,5 tỷ USD).
Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi. Tốc độ tăng GDP năm 2021 đạt 2,56%, được thế giới đánh giá là tích cực, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm; năm 2022 tăng 8,02%; năm 2023 ước đạt khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển ổn định, là bệ đỡ trong khó khăn; dịch vụ, du lịch phát triển khá sôi động, phục hồi nhanh sau dịch Covid-19 .
Về bội chi NSNN 3 năm 2021-2023, Bộ trưởng cho biết, ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH), trong phạm vi mục tiêu đề ra. Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo. Đến hết năm 2023, ước dư nợ công là 39-40% GDP, dư nợ Chính phủ là 36-37% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 37-38% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội.
Về hạn chế, Bộ trưởng nêu rõ, áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%; nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu DN tiềm ẩn rủi ro.
Sau đại dịch Covid-19, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn; hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục còn nhiều khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, thủ tục hành chính và áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững ngày càng gia tăng.
Về tình hình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu, đánh giá sơ bộ, trong 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn. Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như: tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng. Một số chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư khái quát, tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm.
Các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng kỳ vọng. Các loại thị trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa đảm bảo điều kiện phát triển bền vững.
Dự báo thời gian tới khó khăn, thách thức còn rất lớn, Chính phủ xác định sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Chính phủ cũng cho biết sẽ giải quyết hiệu quả các vấn đề ngắn hạn và dài hạn, vừa đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; vừa tập trung xử lý các nhiệm vụ thường xuyên, quyết liệt chỉ đạo, xử lý từng bước dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu vực tại TP.HCM, Đà Nẵng. Huy động nguồn lực hợp tác công tư và nguồn lực xã hội cho phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu giải pháp.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực; rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024, Bộ trưởng báo cáo Quốc hội.