Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền - Bài 2: Tới công đường xử án
Trong suốt quá trình dài công tác, Thẩm phán Bùi Quang Sơn đã không ít lần đối diện với hiểm nguy và cám dỗ, mà theo anh, nếu người cán bộ Tòa án không có bản lĩnh vững vàng thì rất dễ bị sa ngã…
Nối dài Sổ ghi danh người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Thẩm phán Bùi Quang Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, từ đó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, chàng thanh niên Bùi Quang Sơn về công tác tại TAND tỉnh Bến Tre với nhiệm vụ làm Thư ký Tòa Hình sự. Sau đó, Thư ký Bùi Quang Sơn được cử đi học lớp nghiệp vụ rồi được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND tỉnh Bến Tre.
Quá trình công tác, Thẩm phán Bùi Quang Sơn đã trải qua nhiều cương vị khác nhau như: Phó Chánh Tòa Hình sự (TAND tỉnh Bến Tre), Chánh án TAND TP. Bến Tre, Phó Chánh án TAND tỉnh Bến Tre và Chánh án TAND tỉnh Bến Tre.
Nói về cái duyên với nghề, Thẩm phán Bùi Quang Sơn tâm sự, từ thời học sinh, ông bị cuốn hút, say mê bởi hình ảnh các vị quan tòa uy nghiêm trên các chương trình truyền hình. Sau này, ông có cơ hội đến cơ quan của anh trai là VKSND tỉnh Bến Tre (thời điểm đó, VKSND cùng trụ sở với TAND), rồi được chứng kiến các phiên tòa xét xử, càng hối thúc động lực ông sau này học tập rồi về công tác trong hệ thống Tòa án.
Trải qua 30 năm làm việc trong hệ thống Tòa án, từ thực tiễn công tác cho thấy, dù ở cương vị nào Thẩm phán Bùi Quang Sơn vẫn luôn khắc ghi lời Bác dạy cán bộ tư pháp: “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” và “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.
Thẩm phán Bùi Quang Sơn chia sẻ, năm 2013, khi về nhận nhiệm vụ Chánh án TAND TP. Bến Tre, để có thái độ giao tiếp chuẩn mực với công dân, Chánh án Bùi Quang Sơn đã họp cơ quan, yêu cầu sửa chữa phòng tiếp dân, trong đó lập phiếu đánh giá với 4 mục là: rất hài lòng, hài lòng, chưa hài lòng và ý kiến khác.
Mỗi một công dân đến liên hệ Tòa án đều được phát phiếu đánh giá, sau khi đánh giá xong thì bỏ vào thùng phiếu. Đặc biệt, trên thùng phiếu có dòng chữ: “Nếu quý khách chưa hài lòng về sự phục vụ của cán bộ công chức thì liên hệ số điện thoại 090xxx”, số điện thoại dán trên thùng phiếu chính là số của Chánh án Bùi Quang Sơn.
Được biết, mô hình lấy phiếu đánh giá của TAND TP. Bến Tre sau đó được nhân rộng ra toàn bộ TAND hai cấp tỉnh Bến Tre và nhiều Tòa án các địa phương cũng về học tập mô hình này để áp dụng tại đơn vị mình.
Trong chương trình hành động ứng cử đại biểu HĐND tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2021 - 2026 và sau khi trúng cử, Thẩm phán Bùi Quang Sơn luôn thực hiện lời hứa trước cử tri, thực hiện chương trình hành động của mình là: Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, hiệu lực, hiệu quả trong xử lý công việc và công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân", là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền con người và quyền công dân; Luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu những nỗi trăn trở, bức xúc của cử tri về an sinh xã hội, an ninh trật tự, môi trường và đặc biệt là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ đề tìm ra giải pháp phù hợp từng bước ngăn chặn và đẩy lùi.
Thẩm phán Bùi Quang Sơn chia sẻ, vào tháng 4/2018, khi đó ông là Phó Chánh án TAND tỉnh Bến Tre, được phân công xét xử vụ án hình sự về tội Đánh bạc. Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử ít ngày, có người phụ nữ quen gọi điện thoại cho ông và nói sẽ đến nhà chơi. Trong lúc ông Sơn đang tưới cây ngoài sân vào chiều muộn thì thấy người phụ nữ quen biết ông, tay xách túi màu đen đi cùng một người đàn ông đến.
Sau lời chào hỏi, người phụ nữ giới thiệu người đàn ông đi cùng là đương sự trong vụ án mà ông Sơn chuẩn bị xét xử và ngỏ ý muốn giúp. Ngay lập tức, ông Sơn trao đổi là không đồng ý việc dẫn đương sự đến nhà; đồng thời yêu cầu người phụ nữ cầm túi quà và đưa đương sự về, không được làm trái nguyên tắc. Sau khi hai người ra về, trở vào nhà, ông Sơn thấy có túi xách đen liền gọi điện thoại cho người phụ nữ, yêu cầu quay lại mang quà về nhưng người phụ nữ nói: “Không có gì đâu, anh cứ nhận đi”.
Kiểm tra túi, ông Sơn phát hiện bên trong có 2 trái bưởi và một chiếc phong bì. Sáng hôm sau, ông gọi điện cho người phụ nữ kia thì không liên lạc được. Ông mang túi xách màu đen lên TAND tỉnh Bến Tre và báo cáo sự việc với lãnh đạo đơn vị. Sau đó, đơn vị chức năng của TAND tỉnh Bến Tre đã lập biên bản, mở phong bì kiểm đếm số tiền là 80 triệu đồng. TAND tỉnh Bến Tre đã mời đương sự lên, đương sự thừa nhận sự việc và nhận lại số tiền.
Với hành động liêm chính của mình, Thẩm phán Bùi Quang Sơn đã được Chánh án TANDTC tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tấm gương liêm chính của Thẩm phán Bùi Quang Sơn đã có sức lan tỏa trong hệ thống TAND hai cấp tỉnh Bến Tre khi vừa qua, Thẩm phán Phạm Văn Ngọt - Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND tỉnh Bến Tre) kiên quyết từ chối nhận tiền mà các đương sự gọi là “tiền bồi dưỡng”. Với sự liêm khiết, tận tậm vì công lý của mình, Thẩm phán Phạm Văn Ngọt đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre tặng Bằng khen về thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Hay mới đây, vào tháng 6/2023, khi triệu tập các đương sự lên để lấy lời khai, giải quyết vụ án, Thẩm phán Huỳnh Thị Thanh Như (TAND TP. Bến Tre) đã từ chối nhận “tiền bồi dưỡng” của đương sự có trị giá 10 triệu đồng. Và rất nhiều lần khác, nhiều đương sự gửi tiền “cám ơn” từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng thì chị đều từ chối. Được biết, TAND tỉnh Bến Tre đã có tờ trình đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho Thẩm phán Huỳnh Thị Thanh Như.
Kể về chuyên án KH710 được triệt phá và đưa ra xét xử năm 2011, Thẩm phán Bùi Quang Sơn cho hay, đây là chuyên án đấu tranh chống tội phạm phản động do Trần Thị Thúy cầm đầu. Các đối tượng hoạt động với mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Vụ án có tính chất phức tạp, có sự tham gia của nhiều đối tượng, lôi kéo theo hàng trăm người ở 12 tỉnh, thành trong cả nước và đặc biệt là có sự đứng đằng sau của tổ chức phản động Việt Tân.
Thời điểm năm 2011, Thẩm phán Bùi Quang Sơn là Phó Chánh Tòa Hình sự (TAND tỉnh Bến Tre), được phân công là Chủ tọa phiên tòa xét xử các đối tượng của chuyên án KH710. Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán Bùi Quang Sơn liên tục bị uy hiếp tinh thần. Các đối tượng phản động bên ngoài thường xuyên bôi nhọ, thông tin sai sự thật về hệ thống Tòa án, về Thẩm phán Bùi Quang Sơn trên các trang báo, đài phản động như: VOA, RFA…
Không những thế, các đối tượng còn thường xuyên nhắn tin, gọi điện thoại vào số di động của ông. Ban đầu là dụ dỗ, lôi kéo ông với nhiều lời ngon ngọt, hứa hẹn. Khi ông kiên quyết từ chối và nêu rõ quan điểm thì những đối tượng này chuyển qua hăm dọa, đe dọa tính mạng của ông cùng gia đình, thậm chí còn dọa sẽ làm cho gia đình ông “tuyệt tự”.
Những lần bị dụ dỗ, hăm dọa, Thẩm phán Bùi Quang Sơn đều báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền, và đều nhận được sự động viên của tổ chức, được bố trí đảm bảo an toàn nhất cho ông cùng gia đình.
Thẩm phán Bùi Quang Sơn sau đó đã tham gia xét xử nhiều vụ án có các đối tượng phản động. Với những đóng góp của mình, năm 2020, ông được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Tâm sự với chúng tôi, Thẩm phán Bùi Quang Sơn cho biết, người cán bộ Tòa án đặc biệt là Thẩm phán phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, phải đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân lên trên hết; đặc biệt là phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và xác định đây vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp bách.
Mỗi người công tác trong hệ thống Tòa án phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và luôn chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, từ đó hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... và nên bắt đầu những điều nhỏ nhất.
Nhìn nét mặt và cử chỉ của ông Sơn, chúng tôi lại nhớ đến một nhân vật là người đồng bào Khmer, cũng nổi tiếng với phong cách giản dị, gần gũi, nói ít, làm nhiều... đó là Thẩm phán Thái Rết – Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng…
Bài 3: Học tập và làm theo Bác từ những điều nhỏ nhất.
* Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tâm Phúc - Sông Hương