Xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, trốn đi nước ngoài cũng không thoát được
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý kỷ luật 95 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 19 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Sáng nay 18/10, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý đối với dự thảo báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”.
Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, qua 40 năm đổi mới, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, tạo bước tiến mới cả về nhận thức, lý luận, cả về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo tổng kết 40 năm đổi mới, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào Báo cáo chuyên đề về tổng kết một số vấn đề về lý luận và thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo, làm cơ sở để tham mưu, đề xuất những nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Trên tinh thần đó, đồng chí đề nghị các đại biểu dự Hội thảo trao đổi, góp ý thẳng thắn, ngắn gọn, tập trung luận giải rõ, sâu sắc, khoa học những vấn đề lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng qua 40 năm đổi mới. Làm rõ những bước tiến mới, sáng tạo về nhận thức, tư duy lý luận của Đảng đối với công tác này; những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.
Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh, mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, công khai, bất kể người đó là ai, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Thậm chí trốn đi nước ngoài cũng không thoát được, cũng xét xử vắng mặt.
Theo ông, bước đột phá trong "không dám" thời gian qua là xử đồng bộ, nghiêm minh giữa xử lý kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, đoàn thể, xử lý hình sự. Trong đó, kỷ luật của Đảng được thực hiện trước mở đường, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự, theo nguyên tắc, có vụ việc phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó. Có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố, điều tra. Kết luận có tội phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã xử lý kỷ luật 113 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 27 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã xử lý kỷ luật 95 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 19 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Tài sản tham nhũng bị thu hồi, tịch thu, người có hành vi tham nhũng, tiêu cực gây thiệt hại phải bồi thường.
Tại Hội thảo, có 15 ý kiến phát biểu tham luận với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm cao các ý kiến góp ý tập trung làm sâu sắc hơn nhiều nội dung trong Dự thảo báo cáo, như: Đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay; nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung giải quyết để đạt được “bốn không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những vấn đề đặt ra đối với công tác kỷ luật Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây; kiến nghị đề xuất công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; công tác thu hồi tài sản tham nhũng;…
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá cao chất lượng các ý kiến tham luận tại Hội thảo, đồng thời tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để làm cơ sở cho việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng Báo cáo chuyên đề. Đồng chí đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn tiếp tục nghiên cứu và góp ý vào dự thảo Báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”.