Thị trường bất động sản: Cơ hội nhiều hơn thách thức
Với các chính sách "nới lỏng", lãi suất ngân hàng giảm thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định hiện nay cơ hội nhiều hơn là thách thức đối với thị trường này.
Thị trường bất động sản vẫn luôn là mối bận tâm lớn của rất nhiều người. Ghi nhận gần 2 năm qua thị trường này đã "ngủ đông", có quá nhiều gian nan khiến không ít doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, 2 tháng trở lại đây, thị trường đã ghi nhận những dấu hiệu phục hồi, các giao dịch bắt đầu tăng.
Thị trường bất động sản đang ghi nhận chuyển biến tích cực. Nếu ở quý 1, nguồn cung sụt giảm, thị trường gần như đứng im với khoảng 1.000 giao dịch. Bước sang quý 2, nguồn cung đã bắt đầu tăng với hơn 200 sản phẩm và khoảng 3.700 giao dịch thành công. Sự khởi sắc thật sự đến vào quý 3, khi mà có hơn 300 dự án mở bán và hơn 5.000 giao dịch được thực hiện.
Sở dĩ thị trường có nhiều dấu hiệu phục hồi là so tác động rất lớn từ các cơ chế chính sách, nguồn vốn. Đặc biệt, thay vì chỉ "trông chờ" vào nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã dần chủ động "gỡ rối" cho mình. Thời gian qua có rất nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, từ đó, những khó khăn vướng mắc được chỉ rõ; trong đó, có khoảng 70% liên quan đến cơ chế chính sách, pháp lý.
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết mặc dù sự lên xuống của thị trường bất động sản là điều bình thường trên thế giới, nhưng có 3 vấn đề chính của thị trường cần phải quan tâm là cơ chế chính sách, tiếp cận nguồn vốn và việc thực thi công vụ của các cơ quan quản lý.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia nhận định thị trường bất động sản hiện nay cơ hội nhiều hơn thách thức, bởi thách thức lớn nhất thị trường đã vượt qua nên giai đoạn này sẽ là phục hồi.
Tuy nhiên, so với thời điểm hoàng kim thị trường hiện nay mới chỉ phục hồi được khoảng 20-30%.
Các vướng mắc về pháp lý, thể chế cũng đang dần được tháo gỡ và thực thi. Đơn cử như chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng.” Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất giảm dần. Cùng đó, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu nợ, đảo nợ…
Sau hơn 1 năm chống chịu với “bão lớn,” nhiều doanh nghiệp bất động sản không thể vượt qua. Nhưng nếu vượt qua được, các doanh nghiệp sẽ bước vào một giai đoan phát triển mới, bền vững và an toàn hơn.
Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khởi sắc, nhiều giao dịch sẽ được thực hiện kể từ đầu năm 2024. Bởi có quá nhiều "liều thuốc" được đưa ra từ chính sách, tiền vốn đến nhu cầu của người dân. Vì thế, tương lai gần bất động sản sẽ tiếp tục là kênh đầu tư thu hút.