Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng
Sáng 14/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri tại quận Đồ Sơn- Hải Phòng.
Cùng tiếp xúc cử tri có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Lê Tiến Châu; cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng.
Tại cuộc tiếp xúc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Lã Thanh Tân đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 23/10 tới; tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong 9 tháng đầu năm và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố thời gian qua.
Theo đó, Kỳ họp thứ Sáu là Kỳ họp cuối năm đồng thời cũng là Kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Quốc hội sẽ xem xét, quyết định khối lượng rất lớn về công tác lập pháp và giám sát.
Dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 23,5 ngày, chia thành hai đợt. Trong đó, đợt 1 từ ngày 23/10 - 10/11, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, xem xét công tác nhân sự, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các dự án luật, các vấn đề quan trọng quốc gia... Đợt 2 từ ngày 20/11 - 29/11, Quốc hội sẽ thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết.
Về lập pháp, tại Kỳ họp thứ Sáu, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 3 dự thảo Nghị quyết quy phạm pháp luật (Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ); cho ý kiến 8 dự án luật. Đây là số lượng các dự án luật và dự thảo Nghị quyết có tính chất như luật cao nhất được trình tại một Kỳ họp của Quốc hội, trong đó, có những dự án Luật rất lớn và khó như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…
Về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác: Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinhtế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024.
Cùng với đó, Quốc hội xem xét đánh giá giữa nhiệm kỳ về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công. Đây đều là những nội dung lớn và rất quan trọng, cần thiết phải đánh giá đúng tình hình hiện nay, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một số nội dung quan trọng khác theo quy định của pháp luật.
Về giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về công tác tư pháp của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án nhân dân, báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023.
Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Sáu; xem xét báo cáo kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV; xem xét kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; xem xét báo cáo kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết chung Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV.
Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Trên cơ sở kết quả của Đoàn giám sát, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến, tập trung rà soát, có giải pháp tháo gỡ vướng mắc và sẽ xem xét bổ sung một số giải pháp, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các Chương trình này còn thấp và thời gian thực hiện còn lại không nhiều.
Quốc hội cũng sẽ dành ít nhất 2,5 ngày để tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tư.
Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội. Đây là lần lấy phiếu duy nhất trong nhiệm kỳ và cũng là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, các đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Phó Trưởng Đoàn Lã Thanh Tân cũng cho biết, từ sau Kỳ họp thứ Năm đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã tiếp 25 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 54 đơn thư của công dân (trong đó có 47 đơn, thư trùng lặp hoặc đã xử lý); 7 đơn, thư còn lại được chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định. Đoàn đang tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc giải quyết của các cơ quan theo quy định pháp luật.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng đã nhận được 74 văn bản của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trả lời 129/160 kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng. Các ý kiến trả lời được tổng hợp và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố và Báo Hải Phòng. Trong đó, có 28 kiến nghị của cử tri quận Đồ Sơn gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố thì đến nay đều đã được Trung ương và UBND Thành phố có văn bản trả lời, giải quyết.