Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến được triển khai rộng rãi tại Cà Mau
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến tại Cà Mau đang được đặc biệt chú trọng đầu tư. Các mô hình tham gia được tập huấn về kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng...
Tỉnh Cà Mau định hướng tổ chức sản xuất nông nghiệp gắp với xây dựng chuỗi giá trị thông qua mô hình tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, câu lạc bộ nuôi tôm, tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn. Mô hình nuôi tôm quảng canh vì thế rất được chú ý tại địa phương.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã xây dựng được 83 mô hình trình diễn về nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, riêng năm 2023 xây dựng 28 mô hình.
Tính đến đầu năm 2023, diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến của tỉnh đã đạt trên 176.270ha, diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, 3 giai đoạn đạt khoảng 67.000ha.
Thời gian qua, việc nhân rộng mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã góp phần nâng cao đời sống, kinh tế của người dân. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn với năng suất từ 400-600/kg/ha/năm, cá biệt có hộ nuôi đạt năng suất trên 800 kg/ha/năm.
Nhằm nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau chú trọng giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, xây dựng các mô hình và vùng nuôi thí điểm, nâng cao chất lượng con giống và vật tư đầu vào, có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất phù hợp.
Tỉnh Cà Mau còn quan tâm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh định hướng tổ chức sản xuất nông nghiệp gắp với xây dựng chuỗi giá trị thông qua mô hình tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, câu lạc bộ nuôi tôm, tổ khuyến nông cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn, nguồn lực đất đai, chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ số, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng dự án đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất an toàn, sản xuất sản phẩm hữu cơ, thực hành sản xuất tốt để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng hình thành các vùng nuôi tập trung, phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường; tăng cường quản lý quy hoạch vùng nuôi, nhất là vùng nuôi tôm-rừng (tôm sinh thái), vùng sản xuất tôm-lúa theo định hướng hữu cơ.
Cùng với đó, Sở tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nuôi quy mô lớn tập trung, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận khác nhau đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thành lập mới và củng cố hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian...
Cà Mau đang từng bước cải thiện và hình thành các mô hình nuôi tôm quảng canh với hiệu quả cao. Đây sẽ là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.