Tạo hạ tầng pháp lý, phát triển hệ thống Tòa án lâu dài
Phát biểu giải trình một số vấn đề UBTVQH quan tâm về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), chiều 18/9, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật khẳng định, việc sửa Luật lần này là cơ hội nhằm tạo ra hạ tầng pháp lý cho việc đổi mới cải cách tư pháp và phát triển Tòa án lâu dài. Hệ thống Toà án đã tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, để tháo gỡ khó khăn trong thực tế.
Về quá trình chuẩn bị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đã được tiến hành nghiêm túc, kỹ lưỡng và chặt chẽ. Đặc biệt, tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và chuẩn bị trong rất nhiều năm.
“Chúng tôi đã qua nhiều lần dự thảo và mỗi lần dự thảo có chỉnh sửa. Ý kiến của các đồng chí chúng tôi đều có chỉnh sửa, tiếp thu, làm sao chúng ta đạt được những yêu cầu để phát triển nền tư pháp nước nhà”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Theo Chánh án, Nghị quyết 27 (về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới-PV) quy định, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án thực hiện đầy đủ về quyền tư pháp.
“Trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên chúng ta đặt ra là quyền tư pháp, nhưng từ 2013 đến nay thì không rõ quyền tư pháp là gì. Sửa đổi luật lần này, rất cần thiết phải làm rõ quyền tư pháp. Tòa án thực hiện quyền tư pháp nhưng không rõ làm gì, chúng tôi xem đây là một cơ hội, còn quy định như thế nào thì cùng nhau suy nghĩ, diễn đạt để thống nhất”, Chánh án nói.
Cũng tại phiên họp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã giải trình thêm một số quy định cụ thể của dự án Luật còn có ý kiến khác nhau.
Người đứng đầu hệ thống Tòa án nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Việc xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) phải quán triệt các quan điểm chỉ đạo sau đây:
Thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm bảo đảm các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử.
Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật; Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Dự thảo Luật gồm 151 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Dự thảo luật giảm 02 chương, tăng thêm 54 điều.
Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 06 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 02/6/2023.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) bám sát chủ trương của Đảng
Cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Qua công tác chuẩn bị thấy các đồng chí làm hết sức tâm huyết, trách nhiệm, công phu. Dự án Luật này đã được báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Đồng chí Chánh án cũng tổ chức rất công phu đối với việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến các cơ quan, các tổ chức, các nhà khoa học”.
Về nội dung dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội khẳng định đã bám sát và thể chế hóa khá toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp; mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất một số quy định mới hơn so với luật hiện hành.
“Báo cáo thêm của đồng chí Chánh án đã bám sát cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý; tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bám sát việc này. Chúng ta có thuận lợi, về cơ sở chính trị thì có Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và trực tiếp có Nghị quyết 27 của Trung ương khóa này vừa mới ban hành về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”- Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị “cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các ý kiến trong Ủy ban Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để có một dự thảo, cũng như báo cáo thẩm tra tốt nhất để trình với Quốc hội và theo nguyên tắc Quốc hội vẫn là cơ quan biểu quyết để quyết định cuối cùng”.