ĐBSCL đẩy mạnh tín dụng cho ngành lúa gạo, thủy sản
Ngành lúa gạo, thủy sản được xem là thế mạnh trong phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong 8 tháng năm 2023, dư nợ cho vay vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm ngoái.
Nhằm mang đến sự hỗ trợ tốt nhất về nguồn vốn trong phát triển kinh tế vùng ĐBSCL đặc biệt là ngành lúa gạo, thủy sản, các ngân hàng đã có nhiều gói cho vay ưu đãi. Nhiều gói vay với lãi suất thấp được triển khai cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, lúa gạo hiện nay.
Theo Ngân hàng Nhà Nước, đến cuối tháng 8, dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5%. Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022. Đây là 2 lĩnh vực thế mạnh của vùng, và chiếm hơn một nửa dư nợ cho vay thủy sản, lúa gạo trên toàn quốc.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ vốn cho khu vực này, Ngân hàng Nhà Nước đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng ĐBSCL để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn. Tại đây đã có nhiều vấn đề được giải quyết nhằm giúp việc tiếp cận nguồn vốn tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất, các ngân hàng nên đẩy mạnh việc cho vay theo chuỗi, trong cả quá trình sản xuất từ người nông dân tới nhà máy bởi người dân thường gặp khó về tài sản đảm bảo. Điều đó sẽ tăng được đối tượng tiếp cận nguồn vốn hơn.
Theo đó ngân hàng thương mại cũng sẽ mở rộng hơn các chuỗi liên kết trong cho vay nhưng cũng cần sự đồng hành, minh bạch thông tin từ doanh nghiệp và người dân. Hiện các ngân hàng vẫn nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp giảm lãi suất để kích thích nhu cầu vốn.
Ngân hàng Nhà Nước cũng khẳng định, bên cạnh lãi suất, Ngân hàng Nhà Nước đang yêu cầu các ngân hàng tiếp tục dành nguồn vốn lớn để cho vay các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị tín dụng ở nhiều địa phương để tìm hiểu vướng mắc trong các lĩnh vực khác, từ đó các biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Việc tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng cho ngành lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL là vô cùng thiết yếu. Chúng giúp các doanh nghiệp có được nguồn vốn tốt nhất nhằm tăng cao năng lực trong sản xuất, phát triển thị trường. Chính vì thế đây được xem là một yếu tố giúp nâng cao phát triển kinh tế tại vùng này.