Mở rộng thị trường xuất khẩu, giá dừa trên đà tăng cao
Với việc Mỹ cho phép nhập khẩu dừa tươi trở lại, Trung Quốc đang dần tiếp nhận dừa của Việt Nam. Giá dừa trong nước không ngừng tăng cao.
Theo ghi nhận từ các kết quả công bố về xuất nhập khẩu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dừa của Việt Nam đạt tới con số 900 triệu USD. Đây là một dấu hiệu đáng mừng sau một thời gian dài thị trường dừa trầm lắng. Nhờ đó, năm 2022 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dừa trở thành nguồn thu nhập kinh tế đầy hứa hẹn cho người dân.
Đặc biệt gần đây khi mà Mỹ công bố tiếp tục cho phép trái dừa tươi của Việt Nam được nhập khẩu, giá dừa càng trên đà tăng mạnh. Theo đó, Mỹ đã mở cửa nhập dừa sọ với yêu cầu gọt bỏ hết 3/4 phần vỏ xanh của trái dừa để đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài Mỹ thì trái dừa và các sản phẩm từ dừa của Việt Nam cũng đang trên đường xâm nhập chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, mỗi năm quốc gia này cần tới 2,6 tỷ trái dừa - đây chính là thị trường tiềm năng của dừa Việt.
Ngay khi có công bố chính thức về việc Mỹ cho phép nhập khẩu lại trái dừa tươi Việt Nam giá dừa đã tăng cao. Cụ thể, giá dừa được bán 60.000 - 65.000 đồng/chục thay vì 15.000 - 20.000 đồng/chục như hồi đầu năm.
Với mức giá dừa đang dần tăng cao và còn hứa hẹn sự ổn định nhiều hơn nữa trong thời gian tới là tín hiệu đáng mừng cho thị trường. Nhiều người dân trồng dừa cũng như các doanh nghiệp sản xuất chế biến dừa đều vô cùng vui mừng và đặt hi vọng vào cây trồng này sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế trong tương lai, giúp họ thoát nghèo và có cuộc sống cùng mức thu nhập cao hơn.
Hiện nay, diện tích trồng dừa của Việt Nam khoảng 200.000 ha. Chúng được tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Nước ta có diện tích trồng dừa lớn thứ 5 thế giới, chất lượng dừa cao chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội mở ra để dừa có thể lọt TOP xuất khẩu tỷ đô trong tương lai gần.