Vinh danh thẩm phán

Chuyện đời, chuyện nghề của một vị Thẩm phán

Đức Trí – Phan Trà 31/08/2023 - 19:26

Hơn 20 năm công tác trong hệ thống Tòa án, ông Phạm Minh Sơn – Phó Chánh án TAND huyện Xuyên Mộc luôn là một trong những tấm gương tiêu biểu của TAND hai cấp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

ong-pham-minh-son-pho-chanh-an-toa-an-nhan-dan-huyen-xuyen-moc-tinh-ba-ria-vung-tau.(1).jpg
Ông Phạm Minh Sơn – Phó Chánh án TAND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đó là câu chuyện mà chúng tôi muốn kể về một vị Thẩm phán, với bản chất khiêm nhường mẫu mực, luôn có hoạch định tốt trong công việc. Ngoài ra, ông còn là một người luôn quan tâm và thường xuyên chia sẻ những lời khuyên hữu ích cho cấp dưới của mình, bản thân ông cũng luôn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ông chính là Phạm Minh Sơn - Phó Chánh án TAND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Người Thẩm phán công tâm và khách quan

Tốt nghiệp phổ thông trung học, mặc dù có rất nhiều cơ hội lựa chọn cho tương lai, nhưng ông nhất quyết theo chọn ngành luật. Năm 1994, cầm trong tay tấm bằng Cử nhân của Trường Đại học Luật Hà Nội, ông bước vào nghề với bao sự háo hức niềm say mê.

Bắt đầu từ công việc của một Thư ký, ông không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao một cách cầu thị. Nhận thấy năng lực và tinh thần cầu tiến của chàng thanh niên mang trong mình nhiều khát khao và hoài bão, lãnh đạo đơn vị đã tạo điều kiện cho ông tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử tại Học viện Tư pháp.

Đến tháng 8/2003, ông được bổ nhiệm làm Thẩm phán TAND huyện Tân Thành (cũ) nay là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong suốt quá trình công tác, với tinh thần tận tụy, trách nhiệm và bản lĩnh của người Thẩm phán, ông đã luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 2013, Thẩm phán Phạm Minh Sơn được điều động về công tác tại TAND huyện Xuyên Mộc; đến năm 2018, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Chánh án TAND huyện Xuyên Mộc và được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ TAND huyện Xuyên Mộc.

Với những trọng trách và nhiệm vụ mới đầy vinh dự nhưng cũng không ít khó khăn và thử thách, Phó Chánh án Phạm Minh Sơn đã chỉ đạo toàn đơn vị phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhân dân và Tòa án cấp trên giao phó; phối hợp kịp thời với các cơ quan hữu quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan sai người vô tội.

Ông cũng là người luôn chú trọng kiện toàn bộ máy của đơn vị, với việc bồi dưỡng đội ngũ kế cận có trình độ chuyên môn, có bản chất chính trị và năng lực công tác đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Xác định công tác xét xử vốn là một công việc khó, đòi hỏi người cán bộ Tòa án ngoài việc tinh thông về nghiệp vụ cần phải có tư tưởng trong sáng và bản lĩnh vững vàng.

Thấm nhuần sâu sắc điều này, nên ngay từ những ngày đầu là một cán bộ Tòa án và trong suốt quá trình công tác, Phó Chánh án Phạm Minh Sơn không ngừng phấn đấu, học tập nghiên cứu lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn để chủ động trong công tác xét xử.

Trước khi giải quyết một vụ việc bao giờ ông cũng đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích nhiều khía cạnh đúng, sai để giải quyết sao cho thấu tình đạt lý, tránh oan sai.

Phó Chánh án Phạm Minh Sơn chia sẻ: “Xét xử là công việc rất khó khăn và phức tạp. Là một Phó Chánh án tham gia xét xử các phiên tòa và cũng là người đứng thứ hai sau Chánh án trong đơn vị, quyết định mọi việc trong cơ quan, nhưng mọi thứ tôi đều giải quyết khá nhanh, trước mỗi bản án là lúc đưa ra quyết định có ảnh hưởng rất lớn đến số phận một con người thì mọi việc không dễ dàng. Mình phải làm việc sao cho cẩn trọng, công tâm và khách quan. Sao cho xứng với lời dạy của Bác Hồ mà mỗi người cán bộ hệ thống Tòa án đều luôn phải nắm lòng: “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”.

Đưa ra những phán quyết thấu tình, đạt lý

Huyện Xuyện Mộc là địa bàn phức tạp có số lượng vụ án khá cao trong tỉnh, với số lượng án dân sự, hình sự... một năm lên đến hàng trăm vụ nhưng Phó Chánh án Phạm Minh Sơn không hề quên vụ việc nào, những phiên tòa vẫn như những thước phim quay chậm trước mắt anh, con người và sự việc vẫn luôn hiện hữu một cách chân thật, thậm chí là những ấn tượng sâu đậm khó quên, hay đôi khi lại là nỗi trăn trở với những tiếc nuối sót xa cho các bị cáo.

“Những lần xét xử vụ án tai nạn giao thông, thấy được một số người chỉ vì một sự bất cẩn hay thiếu ý thức trong việc tuân thủ luật giao thông mà dẫn đến những hậu quả khôn lường, mất mát to lớn cho bản thân, gia đình của họ và cho cả xã hội, tôi thấy khó có thể cầm lòng. Có những người có lẽ chỉ sai sót có một lần trong đời và những sai sót đó lại trở thành lỗi lầm phải trả giá bằng cả cuộc đời”, Phó Chánh án Phạm Minh Sơn tâm sự.

Việc tiếp xúc với những bị cáo nhiễm HIV trong quá trình xét xử là không thể tránh khỏi, đòi hỏi người Thẩm phán không chỉ sắc bén trong quá trình xét xử mà còn phải thực sự tâm lý, để bị cáo thấy mình không bị kỳ thị, để có thể động viên bị cáo nhận ra được lỗi lầm mà khai báo thành khẩn, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Việc giải quyết các vụ việc ở các lĩnh vực khác như: dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động… cũng để lại không ít những ưu tư, lo lắng. Tỷ lệ vụ án hôn nhân ngày một tăng, đặc biệt độ tuổi ly hôn ngày càng trẻ hóa, có những đôi vợ chồng mới cưới nhau được vài tháng đã đưa nhau ra Tòa đòi ly hôn chỉ vì những lý do không đáng.

Để tránh những việc đáng tiếc đó xảy ra trong quá trình xét xử, hay đưa ra phán quyết, Phó Chánh án Phạm Minh Sơn thường tìm hiểu hồ sơ rất kỹ để tìm ra nguyên nhân, vướng mắc, rồi từ đó phân tích thấu đáo để các bên có thể tìm được tiếng nói chung mà hàn gắn gia đình. Tại nhiều phiên tòa, nơi tưởng rằng quyết định cảnh ly tán thì ngược lại, lại là nơi hàn gắn trái tim lạnh giá trở thêm ấm áp, hạnh phúc gia đình của họ.

Không chỉ thế, trong quá trình thực hiện những vụ việc dân sự hay những vụ án hình sự..., phát hiện nhiều cáo trạng, quyết định của VKS có sai sót, vi phạm tố tụng, Phó Chánh án Phạm Minh Sơn đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo VKS, kiểm sát viên đưa ra những ý kiến, kiến nghị và được Hội đồng xét xử chấp nhận. Đặc biệt, các vụ án do ông giải quyết không có vụ nào bị VKS kháng nghị hoặc bị cấp trên hủy án.

Phó Chánh án Phạm Minh Sơn chia sẻ: “Thời gian hơn 10 năm, tôi công tác tại Tòa án huyện Xuyên Mộc là thời điểm khó khăn nhất, một tuần tôi chỉ về thăm gia đình vào ngày cuối tuần, thời gian đó các con tôi đang ở tuổi ăn, tuổi học rất cần nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc dạy dỗ các cháu. Vậy mà, mọi công việc to, nhỏ trong gia đình và họ hàng hai bên đều dồn hết lên vai một mình vợ.

Thiết nghĩ, đôi khi rất bận lòng nhưng không vì thế mà tôi sao nhãng công việc. Với tôi, cho dù là một cán bộ, Thẩm phán, hay một Phó Chánh án thì cũng phải nỗ lực hết khả năng để làm tròn trách nhiệm của mình đã được cấp trên tin tưởng và giao phó”.

tru-so-cua-toa-an-nhan-dan-huyen-xuyen-moc-tinh-ba-ria-vung-tau.(1).jpg
Trụ sở của TAND huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Hơn 20 năm công tác trong hệ thống Tòa án, Phó Chánh án Phạm Minh Sơn vẫn giữ được lối sống bình dị, thanh bạch, luôn được bạn bè, đồng nghiệp quý mến, tin yêu. Nụ cười thường trực trên môi ông, luôn khiến người đối diện cảm thấy tràn đầy năng lượng. Dù công việc cơ quan có bộn bề, song ông vẫn song hành cùng vợ nuôi dạy con cháu trưởng thành.

Với những thành tích trong công tác, nhiều năm liền Phó Chánh án Phạm Minh Sơn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2002 ông được Chánh án TANDTC công nhận là “Chiến sĩ thi đua TAND”; ông là“Điển hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020”; ngoài ra ông còn được nhận nhiều Bằng khen của các cấp trong các đợt thi đua ngắn hạn.

Nhưng có lẽ, phần thưởng cao quý và xứng đáng hơn cả đối với Phó Chánh án Phạm Minh Sơn chính là sự tin cậy, niềm tự hào của những cán bộ, người lao động trong hệ thống TAND đã tự hào về ông vì có những cán bộ ngành Tòa án như ông đã giúp cho người dân nơi đây thêm tin vào thượng tôn pháp luật, công bằng và công lý.

Đức Trí – Phan Trà