Bổ sung thêm một số quy định mới trong đấu giá tài sản
Đây là nội dung đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được tổ chức sáng nay 11/8. Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tiến hành.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 tới, tại Kỳ họp thứ 6.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo tham vấn chuyên gia là kênh thông tin khoa học độc lập giúp Quốc hội, UBTVQH, các đại biểu Quốc hội trong quá trình ý kiến và xem xét, thông qua dự án Luật.
Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu giá tài sản, như: quy định về Cổng đấu giá tài sản quốc gia và việc tăng cường trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong xây dựng, quản lý, vận hành Cổng đấu giá tài sản quốc gia; tăng cường bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến; thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá; thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản;… trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia...
Theo ông Lê Văn Tuấn, đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định: về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản…
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Liên quan đến nội dung cụ thể tại dự thảo, các chuyên gia cho rằng, sau quá trình xây dựng và chỉnh sửa, đến nay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản khắc phục được cơ bản những tồn tại, bất cập trong đấu giá tài sản mặc dù bên cạnh đó còn một số vấn đề vẫn cần tiếp tục nghiên cứu.
Theo các đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 9 về việc cấm người tham gia đấu giá nhận ủy quyền để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá để trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó, nhằm hạn chế tình trạng thông đồng trong đấu giá tài sản.
Vì vậy đề nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về việc đấu giá trực tuyến trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để bảo đảm tính khả thi. Trong đó, chú ý việc xây dựng, quản lý, vận hành, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan.
TS. Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, hiện dự thảo luật chưa quy định chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục của hình thức đấu giá trực tuyến. Cùng với việc vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, dự thảo nên bổ sung 1 điều về hình thức đấu giá này.
Các chuyên gia cũng lưu ý, pháp luật chuyên ngành về các loại tài sản đấu giá còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của Luật Đấu giá tài sản, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng, như quy định về trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong Luật Khoáng sản; ... Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã quy định nhiều vấn đề có liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản rất cần rà soát, sửa đổi bổ sung để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Theo đó, nên quy định việc xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm việc công bố/đăng tải thông báo về việc đấu giá tài sản trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia (thông đồng, cố ý, cố tình không công bố..) của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác đấu giá tài sản; bổ sung chế tài mạnh hơn (mức bồi thường cụ thể bằng tiền có giá trị cao) đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu giá tài sản, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của đấu giá viên (thông đồng, móc nối, dìm giá để trục lợi, phục vụ lợi ích nhóm…) dẫn đến sai lệch thông tin, kết quả đấu giá tài sản…
Về trình tự và thủ tục đấu giá tài sản, các ý kiến cũng cho rằng, mặc dù có nhiều quy định tiến bộ nhưng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản còn một số quy định chưa chặt chẽ về trình tự, thủ tục, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá và các tổ chức, cá nhân có liên quan, như: Quy định về việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước còn chưa hợp lý; quy định về niêm yết, thông báo đấu giá còn những điểm hạn chế.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của hội thảo sẽ được ban tổ chức nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ để Quốc hội UBTVQH, các đại biểu Quốc hội xem xét trong quá trình cho ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi thông qua.