Trong nước

EVN cần tập trung các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện trong những năm tới

p 27/07/2023 - 18:17

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại; đồng thời, tập trung các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ điện trong năm 2024-2025.

Báo cáo tại cuộc làm việc với Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 26/7, ông Đặng Hoàng An, tân Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đến nay là 79.364MW. 

Trong đó, nguồn điện do EVN làm chủ sở hữu là 11.974MW, chỉ chiếm 15,1% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Các tổng công ty phát điện trong EVN (EVNGENCO) chiếm 22,6% (17.884MW). Phần còn lại là của TKV, PVN, các nhà đầu tư BOT và chủ đầu tư khác.

evnlamviecvoiquochoi267231-159.jpg
Ông Đặng Hoàng An – Chủ tịch HĐTV EVN phát biểu tại buổi làm việc.

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng điện thương phẩm của EVN đạt 953,5 tỷ kWh, bằng 98,6% so với kế hoạch 5 năm, tăng trưởng bình quân 8,59%/năm.

Các năm 2021-2022, do tiếp tục bị ảnh hưởng dịch COVID-19, nên điện thương phẩm tăng bình quân 5,77%/năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện thương phẩm đạt 118,72 tỷ kWh, tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian qua, EVN đã cố gắng, nỗ lực trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, thậm chí còn có khuyết điểm, sai phạm mà các cơ quan chức năng đã chỉ ra.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận, EVN và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để sản xuất, truyền tải, phân phối, đầu tư, quản lý, vận hành, thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện… Những nỗ lực của tập đoàn và các đơn vị liên quan đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống nhân dân.

260720230709-dsc-2109-7013.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: (Cổng TTĐT Quốc hội)

Bên cạnh đó, qua kết quả thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, qua ý kiến của cử tri và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát cũng cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện có một số bất cập, hạn chế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, EVN và các đơn vị liên quan cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục, không để tiếp tục tái diễn. Tập trung có giải pháp để bảo đảm cung ứng đủ điện trong năm 2024 - 2025 và các năm tiếp theo.

Đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn theo đúng chủ trương nêu tại Nghị quyết số 55 - NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện bị chậm tiến độ, bị sự cố ngừng hoạt động; Tăng cường phối hợp các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), các địa phương và cơ quan có liên quan trong triển khai các dự án năng lượng.

Nhằm góp phần đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới, EVN sẽ đề xuất các giải pháp trình Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.

Trước mắt, ngoài các giải pháp về vận hành hệ thống điện, đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện, đảm bảo độ khả dụng của tổ máy, cần đẩy nhanh các dự án đã được phê duyệt, có cơ chế để phát triển nhanh các dự án điện khí LNG, bổ sung nhanh các nguồn điện cho khu vực phía Bắc như điện mặt trời tập trung, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi...

Về phía EVN, sẽ tập trung triển khai đường dây 500kV mạch 3 từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc (nếu các dự án này không được cấp có thẩm quyền giao cho đơn vị khác làm chủ đầu tư) và quyết tâm hoàn thành dự án vào tháng 5/2025.

p