Diễn đàn pháp lý

Bàn thêm về quy định đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác

Nguyễn Thảo - TAND tỉnh Nghệ An 24/07/2023 - 11:13

Quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong Bộ luật Hình sự 2015 có bổ sung nhiều nội dung, tình tiết mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Trong đó có quy định tại khoản 6 Điều 134: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, axit nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm".

Quy định này hoàn toàn mới so với Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật, so sánh với các Điều luật có chung một số yếu tố trong cấu thành tội phạm và hình phạt áp dụng, có một số ý kiến tranh luận xung quanh quy định này.

Tại khoản 1 Điều 134 quy định: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b)…..” (Trang 89 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).

Theo đó, có đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

Về mặt khách thể: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hướng đến quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe của mọi công dân;

Về mặt chủ thể: Là người đã có lỗi cố ý trong việc thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định;

Về mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, thể hiện nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hậu quả của tội phạm này thể hiện tỷ lệ tổn thương cơ thể (mất sức lao động) từ 1% trở lên; tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội của tội phạm;

Về mặt chủ quan: Người phạm tội mong muốn gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Như vậy, có thể xác định tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có cấu thành vật chất nên hậu quả (tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 1% trở lên) là dấu hiệu bắt buộc.

Tại Thông báo số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có giải đáp vướng mắc về quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: “… Quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội…”.

Dựa trên giải đáp trên thì mặc dù chưa thỏa mãn yếu tố có hậu quả gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe người khác nhưng đã có sự bàn bạc thống nhất, cấu kết chặt chẽ với nhau và đã hoàn thành việc chuẩn bị các loại hung khí nguy hiểm nhằm mục đích tấn công gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì đã có đầy đủ dấu hiệu về mặt khách quan trong cấu thành tội phạm.

hinh_minh_hoa.jpg
HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Nghệ An tuyên án trong một phiên tòa trực tuyến về tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”.

Tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại”.

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ,…” (Trang 145 Bộ luật Tố tụng hình sự - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia).

So sánh với quy định của pháp luật tố tụng thì người chuẩn bị phạm tội theo quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 đương nhiên phải chịu trách nhiệm hình sự mặc dù chưa có hậu quả xảy ra mà không phụ thuộc và việc người bị hại có yêu cầu hay không.

Trong khi đó, dựa vào quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 người phạm tội đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội và gây nên tổn thương cho cơ thể bị hại với tỷ lệ từ 01% đến 30% thỏa mãn quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của người bị hại.

Xin nêu ra hai trường hợp có khả năng xảy ra trong thực tế:

Ví dụ 1: A có vay tiền của B và C là hai đối tượng trong các băng nhóm xã hội đen. Do A chơi cờ bạc thua không có tiền trả nên lúc B và C đến đòi tiền không được thì lên tiếng đòi đánh A và quay về cùng băng nhóm của mình chuẩn bị hung khí đánh A. Lúc nhóm của C đang đi đến nhà A để đánh A thì gặp Công an đang bắt nhóm của B đánh A gây nên thương tích 15%, nhóm của B và C cùng bị bắt và cùng bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Trong quá trình khởi tố, do nhóm của B xóa nợ cho A nên A rút đơn yêu cầu khởi tố, nhóm của B được đình chỉ điều tra, đình chỉ khởi tố vụ án, còn nhóm của C buộc phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi chuẩn bị phạm tội.

Có thể thấy hai nhóm đối tượng cùng chuẩn bị hung khí mục đích gây thương tích đối với A, nhưng một nhóm đã trực tiếp gây nên thương tích cho A, nhưng A rút đơn yêu cầu khởi tố thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, còn nhóm chưa trực tiếp thực hiện hành vi gây thương tích cho A, chưa gây nên hậu quả nào thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ 2: Do có mâu thuẫn từ trước nên A rủ đồng bọn của mình chuẩn bị dao, rựa để đi đánh B nhằm gây thương tích cho B, nhưng lúc gặp do B van xin nên nhóm của A không đánh B nữa mà bỏ về thì bị bắt.

Theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, nhóm của A bị truy tố, xét xử và phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà không cần B phải có đơn yêu cầu khởi tố. Giả sử trong một diễn biến khác khi B van xin mặc dù A đồng ý sẽ tha cho B nhưng A vẫn dùng tay đánh B gây nên thương tích dưới 11%, A sau đó có đơn tố cáo lên cơ quan Cảnh sát điều tra, cùng với trước đó A đã bị xử phạt hành chính về hành vi này nên A bị khởi tố theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra B có đơn không yêu cầu khởi tố vì vậy A không bị truy tố về hành vi phạm tội của mình.

Hai trường hợp người phạm tội có cùng hành vi khách quan cố ý gây thương tích cho người khác, nhưng khi không gây nên hậu quả thì phải chịu trách nhiệm hình sự, còn gây nên hậu quả làm tổn hại sức khỏe người khác thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này sẽ khiến dư luận không đồng tình.

Tội phạm và hình phạt là hai chế định quan trọng trong pháp luật hình sự, có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau. Hình phạt chính là phương tiện của chính sách hình sự của Nhà nước, bảo đảm cho luật hình sự thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chế độ, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, công dân.

“Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm” (Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 - Trang 23 Bộ luật Hình sự năm 2015, sủa đổi, bổ sung năm 2017 - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).

Hình phạt theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 quy định mức độ nặng hơn so với hình phạt theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Nhưng khi bị hại không có yêu cầu xét xử tội phạm thì người phạm tội tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 lại không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào.

So sánh trường hợp không cấu thành tội phạm ở khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với trường hợp chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 có thể thấy trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 134 là nguy hiểm hơn.

Vậy, tính nặng nhẹ của việc răn đe, giáo dục pháp luật giữa hai điều khoản này thể hiện như thế nào? Hình phạt nặng hơn tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 chắc chắn có tính răn đe cao hơn hình phạt tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 hay không? Có tác dụng hạn chế đến mức tối đa hậu quả xảy ra đối với bị hại hay không? Điều này chính là tồn tại của quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 khi áp dụng pháp luật trong cuộc sống.

Ví dụ để xét về quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 khi nhìn nhận ở góc độ khác: Vào khoảng 22 giờ đêm, A và B trong lúc ăn nhậu tại quán có xảy ra mâu thuẫn nên hai bên cãi cọ, đập phá đồ đạc, hăm dọa đánh nhau. Cả hai dùng dao, kiếm chuẩn bị sẵn đuổi đánh nhau trong khu dân cư khiến mọi người hoảng sợ, làm hư hỏng một số tài sản. Các đối tượng bị bắt và bị điều tra, khởi tố. Vậy, trong trường hợp các đối tượng này sẽ bị khởi tố về tội nào?

Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…”. (Trang 369 Bộ luật Hình sự năm 2015, sủa đổi, bổ sung năm 2017 - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).

Hành vi của hai đối tượng trên đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhưng đồng thời cũng đã chuẩn bị hung khí nhằm mục đích gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của đối phương. Hành vi phạm tội của các đối tượng đều thỏa mãn cấu thành hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 và tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.

Quan điểm của cá nhân người viết cho rằng, xét về mặt khách quan trong cấu thành tội phạm thì A và B phạm tội gây rối trật tự công cộng: Thứ nhất, A và B có hành vi đập phá đồ đạc, cãi cọ, dùng hung khí đuổi đánh nhau gây ồn ào làm quần chúng nhân dân sợ hãi; thứ hai, các đối tượng dùng phương tiện vật chất để gây rối cho hoạt động kinh doanh buôn bán và hoạt động sinh hoạt về đêm trong khu dân cư; thứ ba, hành vi của A và B dẫn đến hậu quả là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; thứ tư, hành vi của các đối tượng và hậu quả có mối quan hệ nhân quả với nhau.

Ngoài ra, các đối tượng tuy không gây thương tích hay tổn hại cho sức khỏe của ai nhưng đã dùng hung khí để gây rối loạn hoạt động xã hội, thỏa mãn điều kiện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015.

Nếu xét hành vi khách quan là A và B đã sử dụng hung khí mục đích nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đối phương để khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác theo điều khoản chuẩn bị phạm tội thì đã bỏ qua hậu quả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong khi hậu quả này có mối quan hệ nhân quả với hành vi của A và B. Bởi vậy, áp dụng khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 trong trường hợp này là không hợp lý.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 được ban hành và có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/2018 có nhiều điểm mới chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Để thực thi pháp luật hình sự trong thực tế, kết cấu của điều luật chặt chẽ, không có mâu thuẫn giữa các điều, khoản với nhau thì các cơ quan ban ngành hữu quan cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, giải thích để áp dụng điều luật cho chính xác.

Theo quan điểm chủ quan của người viết thì không cần thiết phải ban hành quy định về chuẩn bị phạm tội tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Thay vào đó, cần có hướng dẫn cụ thể để chuyển các hành vi khách quan thỏa mãn cấu thành tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 thành tội gây rối trật tự công cộng. Điều này sẽ tránh được các vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật khi có hành vi phạm tội như đã phân tích ở trên xảy ra trong thực tế, khiến cho việc áp dụng tội danh và hình phạt đối với tội phạm có tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội.

Nguyễn Thảo - TAND tỉnh Nghệ An