Công bố quy hoạch xây dựng trụ sở Bộ ngành, cơ quan Trung ương
Với mục tiêu xây dựng hệ thống trụ sở làm việc đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng điều kiện làm việc của các Bộ, ngành Trung ương; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 20/7, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Cụ thể, phạm vi quy hoạch là các trụ sở làm việc của 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể nằm trong phạm vi địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội.
Quy mô lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở Bộ, ngành trung ương tập trung tại khu Tây Hồ Tây khoảng 35ha; tại khu Mễ Trì khoảng 55ha.
Tại khu Tây Hồ Tây, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Cụ thể thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1.
Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Từ năm 2031 - 2035, thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, cơ quan còn lại và các công trình công cộng.
Hiện nay 11 bộ, cơ quan dự kiến xây dựng trên khu Tây Hồ Tây gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại khu Mễ Trì, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng.
Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Từ năm 2030 trở đi, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan có nhu cầu di dời.
Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Cùng với yêu cầu phát triển của xã hội, việc tổ chức lại hệ thống các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, đồng hành với cải cách các phương pháp làm việc, thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là yêu cầu cấp thiết. Theo đó, cần phải có một hệ thống cơ sở vật chất mới, phù hợp với các yêu cầu mới, với mô hình Chính phủ điện tử và nâng cao hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp Trung ương.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết: Chính quyền Thành phố sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được Chính phủ phân công về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối…; kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch kiến trúc, xây dựng dự án khu đô thị kế cận, để tạo sự kết nối về không gian, phù hợp với khả năng chịu tải của hạ tầng khu vực. Đồng thời, sẽ báo cáo Thành ủy, HĐND thành phố Hà Nội thiết lập phương án tổ chức triển khai, phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan để thực hiện Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc các Bộ, ngành.