Công nghệ

Bắc Giang: Thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt

PV 08/07/2023 - 09:32

Từ ngày 1/7, tỉnh Bắc Giang bắt đầu thực hiện chi trả trợ cấp cho người có công (NCC), thân nhân NCC và người đang hưởng trợ cấp an sinh xã hội (ASXH) hàng tháng bằng hình thức không dùng tiền mặt.  Với mục tiêu tạo ra sự thuận tiện cho người sử dụng.

anh-1-bai-tro-cap-an-sinh-xa-hoi-khong-dung-tien-mat-anh-minh-hoa.png
Việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội hàng tháng bằng hình thức không dùng tiền mặt (Ảnh minh họa).

Hướng đến sự thuận tiện cho người sử dụng

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bắc Giang cho biết, thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả ASXH không dùng tiền mặt. UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt với các nhiệm vụ cụ thể. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách ASXH theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi. Góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả chính sách ASXH cho người dân.

Để thực hiện kế hoạch đề ra, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của việc chi trả không dùng tiền mặt cho NCC, thân nhân NCC, người nhận bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với các ngân hàng mở tài khoản cho người hưởng hoặc người được ủy quyền nhận trợ cấp.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hơn 93,2 nghìn người hưởng trợ cấp an sinh xã hội (ASXH). Trong đó, có khoảng 25 nghìn NCC với cách mạng, còn lại là người thuộc diện bảo trợ xã hội. Bà Phạm Khánh Chi, Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Độ (Thành phố Bắc Giang) cho biết, ngay khi kế hoạch ban hành, UBND phường Mỹ Độ đã tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về lợi ích của việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt. Cùng với đó phường tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với NCC, thân nhân của NCC và những người thuộc diện bảo trợ xã hội để phổ biến chủ trương, tính ưu việt của việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt. Những trường hợp không đến tham dự thì cán bộ Lao động, thương binh và xã hội của phường sẽ gọi điện hoặc đến trực tiếp để tuyên truyền, vận động NCC hoặc thân nhân NCC về chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt. Kết quả, 143/143 người đang hưởng trợ cấp ASXH hằng tháng trên địa bàn phường Mỹ Độ đều đăng ký nhận tiền qua tài khoản.

Để thực hiện tốt việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh nghiên cứu triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng ASXH. Cụ thể như: miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách ASXH khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận tiền trợ cấp từ ngân sách nhà nước… Đồng thời, phối hợp với UBND các cấp để mở tài khoản thanh toán cho các đối tượng NCC, người giám hộ, người được ủy quyền nhận trợ cấp. Cho đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang đã cấp tài khoản ngân hàng cho hơn 4 nghìn trường hợp có nhu cầu.

anh-2-bai-tro-cap-an-sinh-xa-hoi-khong-dung-tien-mat.jpg
Cán bộ LĐTBXH phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) hướng dẫn người dân đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.

Đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận

Việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt thuận tiện cho người thụ hưởng, cơ quan nhà nước và phục vụ công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tỷ lệ người đăng ký sử dụng dịch vụ còn thấp. Nguyên nhân do hầu hết người hưởng chính sách ASXH là người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội nên hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin. Một số người có tâm lý không muốn ủy quyền, ủy thác cho người khác nhận trợ cấp ASXH qua tài khoản. Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để đối tượng thụ hưởng dịch vụ không dùng tiền mặt tại các địa phương chưa được xây dựng đồng bộ. Khoảng cách di chuyển từ nơi ở đến các điểm rút tiền còn xa. Chi phí sử dụng tài khoản và kỹ năng thao tác trên điện thoại thông minh khiến người thụ hưởng ngại sử dụng dịch vụ.

Bà Vi Thị Tú, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Sơn Động cho biết, huyện Sơn Động hiện có hơn 5,5 nghìn NCC và người thuộc diện bảo trợ xã hội đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội, số tiền chi trả khoảng 3,5 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, qua rà soát đến thời điểm này mới có gần 1,5 nghìn người đăng ký nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản. Nguyên nhân do huyện Sơn Động có nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn nên việc sử dụng dịch vụ gặp trở ngại. Thêm nữa các điểm giao dịch của ngân hàng, cây rút tiền mặt trên địa bàn huyện còn ít, khoảng cách di chuyển xa. Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cơ sở, đơn vị chủ động báo cáo, tham mưu với UBND huyện Sơn Động làm việc với các ngân hàng. Từ đó, từng bước đầu tư, tháo gỡ khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, rút ngắn khoảng cách di chuyển, tạo thuận lợi để người dân sử dụng dịch vụ.

Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Giang cho biết, để bảo đảm kế hoạch, thời gian tới, UBND các cấp tiếp tục quan tâm tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt tới đối tượng thụ hưởng, người dân sinh sống trên địa bàn, tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả thực hiện. UBND cấp huyện tiếp tục chỉ đạo, giao phòng chuyên môn phối hợp hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp xã khẩn trương hoàn thành việc rà soát thông tin đối tượng, đăng ký hình thức nhận trợ cấp bảo đảm tiến độ hoàn thành. Công an cấp xã phối hợp với cán bộ LĐTBXH rà soát thông tin, làm sạch dữ liệu và xác thực thông tin đối tượng hưởng chính sách ASXH trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

PV