Giải pháp nào để không 'vỡ trận' trong tuyển sinh vào lớp 10 tại TP Hà Nội?
Trước tình trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm ở nhiều cổng trường THPT để nộp hồ sơ tuyển sinh vào lớp 10 cho con, chuyên gia đưa ra giải pháp.
Những ngày qua, phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm, vạ vật trước các cổng Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trường THPT Phan Huy Chú, THPT Hoàng Cầu... để đăng ký tuyển sinh lớp 10 cho con. Các trường để xảy ra tình trạng này đều là trường tư thục hoặc trường công tự chủ.
Để cho con chắc một suất vào các trường này, mặc dù không ít trường hợp đủ hoặc vượt cả điểm chuẩn tuyển sinh vào trường nhưng lý do phụ huynh vẫn ồ ạt kéo đến cổng trường từ đêm hôm trước bởi các trường này đều có lưu ý: "Nhà trường sẽ dừng nhận hồ sơ khi tuyển đủ chỉ tiêu".
Giải pháp để không 'vỡ trận' trong tuyển sinh đầu cấp
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), trong trường hợp này, chúng ta cần đặt mình vào vị trí các phụ huynh để hiểu lý do vì sao họ phải 'trắng đêm' giữ chỗ như vậy. "Con đang thiếu chỗ học thì họ phải lặn lội, phải tìm mọi cách để xử lý, giúp con có chỗ học, đó là điều rất dễ hiểu. Ai cũng sẽ hành xử như vậy khi rơi vào tình huống của họ".
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, giải pháp quan trọng nhất là Sở GD&ĐT Hà Nội cần có ý kiến nhất quán trên toàn hệ thống, để tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, thay vì nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp như hiện nay.
Tất nhiên, vẫn có thể linh động trên từng trường, bởi không phải trường tư thục nào cũng có đông thí sinh đăng ký, có trường thậm chí còn không tuyển đủ học sinh.
Sự phân luồng phải phù hợp, đảm bảo lợi ích học tập của học sinh
Tình cảnh phụ huynh phải xếp hàng trắng đêm để nhập học cho con xảy ra ở cả hầu hết các bậc học trên địa bàn Thủ đô.
Mới gần đây, hàng trăm phụ huynh chen lấn, xô đẩy để tranh suất học ở Trường tiểu học Vạn Bảo (quận Hà Đông).
Mặc dù ngành giáo dục Hà Nội khẳng định, cơ sở vật chất các trường THPT công lập đáp ứng được 60% nhu cầu của học sinh nhưng đó là con số tính trung bình toàn thành phố.
Nhiều trường vùng ngoại thành, vùng ven hằng năm không tuyển đủ học sinh, mức điểm trung bình/môn rất thấp. Ngược lại, ở các quận nội thành, học sinh đạt mức trên 8 điểm/môn, nhưng vẫn có thể trượt mất cơ hội học tập ở trường công lập.
GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, rất khó hiểu khi ngay tại Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước lại để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp. Tuy bậc THPT chưa phổ cập nhưng sự phân luồng phải phù hợp, đảm bảo lợi ích học tập của học sinh.
Chứng kiến cảnh phụ huynh chen lấn, xô đẩy để xếp hàng bốc thăm, mua hồ sơ cho con vào học từ mẫu giáo đến tiểu học, THPT, GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ sự đau lòng, đáng tiếc: "Để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp như hiện nay, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các quận, huyện, thị xã mà trên hết là lãnh đạo TP. Hà Nội".
Liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học và tình trạng phụ huynh phải xuyên đêm nộp hồ sơ cho con, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định do một số trường có uy tín, được phụ huynh tin tưởng nên bằng mọi giá gửi con em mình vào học.
Vì vậy, họ xếp hàng từ sáng sớm với mong muốn con có suất vào trường. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã làm việc với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường cũng như các quận, huyện bàn phương án thu hồi các dự án treo để dành quỹ đất xây dựng các trường công lập.
Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, lãnh đạo TP Hà Nội rất quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng thêm các trường học để đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Nhiều trường tư thục vẫn còn chỉ tiêu cho học sinh đăng ký vào lớp 10
Tại Trường THPT Văn Lang (Hà Nội) thông báo nhận hồ sơ dự tuyển bằng kết quả thi vào lớp 10 do Sở GD&ĐT tổ chức từ ngày 1-15/7 cho 405 chỉ tiêu.
Theo cô Nguyễn Thị Thúy Phương - Hiệu trưởng nhà trường, hiện tại trường vẫn còn vài chục chỉ tiêu vào lớp 10. "Mùa tuyển sinh năm nay căng thẳng với phụ huynh và học sinh bởi số lượng thí sinh năm nay tăng cao hơn. Tuy nhiên, phụ huynh và học sinh cũng yên tâm và bình tĩnh vì các trường ngoài công lập vẫn đang tuyển sinh. Các trường này đều có chất lượng tốt và mức học phí rất bình dân".
Theo đại diện Ban tuyển sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu cho biết, chiều 5/7 vẫn còn tuyển sinh dù số lượng không nhiều. "Riêng tuyển sinh đợt này (xét điểm thi vào 10 của Sở GDĐT Hà Nội và học bạ THCS), Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu không gặp khó khăn, trường vẫn lấy điểm như mọi năm (khoảng 8 điểm mỗi môn trở lên). Nhiều bậc cha mẹ cũng bày tỏ mong muốn con học tại trường nhưng học phí cũng là vấn đề họ đặt lên bàn cân trước mặc dù rất thích chương trình học và rất thích trường".