Tòa án giúp người dân xã đảo dễ dàng tiếp cận công lý
Huyện Cần Giờ chiếm 1/3 diện tích của TP.HCM, là huyện duy nhất của TP.HCM tiếp giáp với biển, có hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông khó khăn. Vì vậy, TAND huyện Cần Giờ đã có nhiều giải pháp đột phá triển khai Nghị quyết 33 của Quốc hội, bước đầu đã mang lại thành công và hiệu quả lớn.
Xét xử trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế của Cần Giờ
Hàng năm, TAND huyện Cần Giờ thụ lý giải quyết từ 650-700 vụ việc các loại và năm sau luôn tăng so với năm trước. Trong đó, riêng án dân sự liên quan đến tranh chấp đất đai chiếm khoảng 60%.
Trong khi đó, nhân sự của đơn vị hiện có 14 người với 8 Thẩm phán, 5 thư ký. Biên chế thiếu so với chỉ tiêu được giao.
Chánh án TAND huyện Cần Giờ Phù Quốc Tuấn cho biết, Cần Giờ có diện tích rộng lớn, giao thông bị chia cắt bởi sông, rạch, khoảng cách giữa các xã đến trung tâm huyện xa. Do đó, việc tống đạt văn bản tố tụng, xác minh và mời đương sự đến tòa lấy lời khai hay tham gia xét xử cũng gặp nhiều trở ngại hơn các địa bàn khác.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến và hướng dẫn của TANDTC, TAND huyện Cần Giờ đã chủ động, phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị cơ sở vật chất triển khai thực hiện.
Bởi lẽ, việc xét xử trực tuyến rất phù hợp với điều kiện thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, con người của TAND huyện Cần Giờ. Mặt khác, nó phù hợp với điều kiện của huyện Cần Giờ như địa bàn rộng, đường giao thông khó khăn, có nơi phải di chuyển bằng tàu, ghe mới tới được trụ sở ấp, xã.
Tuy nhiên, việc khó khăn là các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến của các Tòa án, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn tận dụng các thiết bị từ phòng họp trực tuyến hiện có, chuyển đổi công năng để tổ chức xét xử.
Đến nay, TAND huyện Cần Giờ đã hoàn chỉnh cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội một cách có hiệu quả, đảm bảo xét xử kịp thời các vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân và ngân sách của Nhà nước.
Kết nối trực tuyến đến xã đảo, ấp đảo
Với thành công trong việc kết nối tổ chức phiên xét xử trực tuyến với trại tạm giam, Ban lãnh đạo TAND huyện Cần Giờ tiếp tục mở rộng các điểm kết nối trực tuyến khác, đặc biệt là các trụ sở ấp đảo, xã đảo.
Trong đó, Thạnh An là xã đảo có địa hình biệt lập, cách trung tâm huyện Cần Giờ 8km đường thủy, với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.000ha được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ.
Xã Thạnh An có ấp đảo Thiềng Liềng cách trung tâm xã Thạnh An khoảng 7km, một hòn đảo nhỏ với bốn bề là sông nước, kênh rạch chằng chịt.
Thời gian di chuyển từ ấp Thiềng Liềng đến trung tâm huyện phải đi 2 lần tàu, mất gần 2 giờ. Tàu từ Thạnh An đi ấp Thiềng Liềng mỗi ngày chỉ có 2 chuyến đi và 2 chuyến về.
Ông Phù Quốc Tuấn, Chánh án TAND huyện Cần Giờ chia sẻ, người dân xã Thạnh An, đặc biệt là ấp Thiềng Liềng khi có việc đến Tòa án phải mất nhiều thời gian, trên tàu còn đối mặt với nhiều nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa, bão.
Ban lãnh đạo TAND huyện đã tới tận nơi khảo sát và quyết định trang bị đầy đủ trang thiết bị trực tuyến cho ấp đảo Thiềng Liềng.
Với nguồn kinh phí của đơn vị, TAND huyện Cần Giờ đã trang bị tại trụ sở UBND ấp Thiềng Liềng tivi 40 inch, 1 máy tính, hệ thống âm thanh, micro và internet.
Ngoài việc phục vụ xét xử trực tuyến, hệ thống này còn giúp cho ban nhân dân ấp tổ chức các cuộc họp trực tuyến với cấp xã, huyện.
Đối với xã đảo Thạnh An, địa phương có sẵn hệ thống họp trực tuyến, Tòa án chỉ đầu tư thêm một số thiết bị đảm bảo yêu cầu cho phiên tòa và cài đặt phần mềm.
Khi có phiên tòa xét xử trực tuyến với điểm cầu ấp Thiềng Liềng thì Tòa án sẽ nhờ đại diện Ban nhân dân ấp, với xã thì có cán bộ tư pháp xã hỗ trợ. Phiên tòa trực tuyến đã diễn ra thuận lợi, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Việc này đã tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian, công sức cho người dân và Tòa án, đồng thời, khắc phục được tình trạng người dân không muốn đến trụ sở Tòa án để tham gia phiên tòa do đường xa, di chuyển khó khăn.
Ông Phạm Minh Châu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh An chia sẻ, Đảng ủy, chính quyền và người dân xã đảo Thạnh An rất phấn khởi, đánh giá cao việc Tòa án kết nối xét xử trực tuyến đến UBND xã và ấp Thiềng Liềng.
Xét xử trực tiếp người dân không phải bỏ công việc, mất nhiều thời gian di chuyển và chi phí đến trụ sở Tòa án. Phiên tòa xét xử trực tuyến vừa qua rất tốt, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đảng ủy và chính quyền xã sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Tòa án tổ chức xét xử trực tuyến.
Hiện nay, TAND huyện Cần Giờ đã khảo sát và thực hiện hoàn thiện kết nối với điểm cầu xét xử trực tuyến tại UBND 2 xã xa trung tâm là xã Lý Nhơn và An Thới Đông.
Mục tiêu sắp tới của TAND huyện Cần Giờ là sẽ kết nối xét xử trực tuyến với tất cả các UBND xã trong huyện.
Mặc khác, hiện nay Nhà tạm giữ Công an huyện Cần Giờ đang tiến hành xây dựng mới. Từ ngày 1/5/2023, tất cả phạm nhân đều chuyển về Trại giam Chí Hòa (huyện Củ Chi, TP.HCM), dự kiến xây dựng 2 năm xong.
Việc trích xuất phạm nhân về TAND huyện Cần Giờ xét xử xong rồi quay về trại giam phải mất cả ngày. Bên cạnh đó, là sự an toàn trong quá trình dẫn giải phạm nhân.
Vì vậy, TAND huyện Cần Giờ đã chủ động phối hợp với TAND TP.HCM và Trại giam Chí Hòa kết nối đường truyền để tiến hành xét xử trực tuyến tất cả các vụ án có bị cáo tạm giam tại Trại giam Chí Hòa.
Những kết quả đạt được đã cho thấy sự quyết tâm của TAND huyện Cần Giờ trong việc khắc phục cơ bản về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội hiệu quả, đảm bảo xét xử kịp thời các vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, ngân sách của Nhà nước và tạo được niềm tin trong nhân dân đối với hệ thống Tòa án.