Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh
Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Văn Thắng vừa ký Công điện số 256/CĐ-UBATGTQG về việc tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh.
Công điện nêu rõ, thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe, TNGT liên quan đến trẻ em, điển hình là vụ TNGT tại Bình Dương (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) ngày 17/10/2022 khiến 01 học sinh tử vong; vụ TNGT tại Lào Cai (tại km 133+600, Quốc lộ 4D qua thôn Luồng Láo 2, xã Cốc Sam, thành phố Lào Cai) ngày 19/5/2023 khiến 03 học sinh tử vong và vụ tai nạn tại Bình Định (thôn 8 Tây, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) ngày 26/5/2023 khiến 03 học sinh tử vong.
Nhằm tăng cường đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh, phòng chống và hạn chế những vụ việc tương tự xảy ra, đặc biệt trong dịp nghỉ hè 2023, Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia trân trọng đề nghị đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân kiêm Trưởng Ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương chú trọng một số nội dung sau:
1. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19 tháng 04 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới; Chương trình phối hợp số 11/CtrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo về phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025;
2. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động cha, mẹ, người giám hộ thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông, không giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” thông qua việc tổ chức giao thông ở khu vực cổng trường và tuyến đường thường xuyên đi học của học sinh, trẻ em (từ nhà tới trường và ngược lại) ngay sau khi học sinh hết kỳ nghỉ hè.
3. Chỉ đạo UBND các huyện, xã, các đoàn thể chính trị, xã hội, phát huy vai trò người cao tuổi, người có uy tín ở cơ sở tổ chức công tác tuyên truyền, vận động các dòng họ, gia đình tích cực nhắc nhở, vận động con em trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhất là học sinh, sinh viên đang nghỉ hè cùng gia đình tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; không uống rượu, bia khi chưa đủ 18 tuổi, người trưởng thành thực hiện “Đã uống rượu bia, không lái xe”, đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện; không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, khi chưa có giấy phép lái xe.
4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội tổ chức tốt công tác truyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT trong các hoạt động của thanh, thiếu niên, nhất là trong sinh hoạt hè tại địa phương; đẩy mạnh cuộc vận động “Học sinh, sinh viên với văn hoá giao thông”; tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên xe máy, ô tô và các phương tiện khác.
5. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm đối với các trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông; đặc biệt cần tập trung xử lý hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Tăng cường phối hợp giữa lực lượng chức năng-nhà trường-gia đình trong việc quản lý và giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về TTATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình để cùng quản lý và giáo dục về TTATGT với trẻ em./.