Nắng nóng gay gắt, chủ động các giải pháp phòng cháy, chữa cháy
CLY - Hiện nay, nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 độ C đến 39 độ C, có nơi trên 40 độ C, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nam Bộ.
Nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng rất cao, gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn gây nguy cơ hỏa hoạn.
Liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng
Khoảng 10 giờ 30 ngày 4/6, trên địa bàn xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Vị trí cháy tại lô 3.1+3.4a+4.1 khoảnh 5, bản đồ điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008. Đến 11 giờ 30 phút, đám cháy đã được dập tắt. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, đến 14 giờ, đám cháy bùng phát trở lại, huyện Sóc Sơn tiếp tục huy động lực lượng tham gia chữa cháy. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Cũng trong chiều 4/6, xảy ra cháy rừng phòng hộ tại địa bàn giáp ranh xã Hiền Ninh và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Do được phát hiện sớm và huy động kịp thời lực lượng tham gia chữa cháy nên sau 30 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Vụ cháy gây thiệt hại 0,56ha thực bì dưới tán rừng thông.
Thông tin từ UBND thành phố Hạ Long và Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ngày 4/6 trên địa bàn hai địa phương này xảy ra cháy rừng khiến hai người dân tử vong.
Từ đầu tháng 5/2023 đến nay, trên địa bàn Quảng Trị xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, kèm theo gió phơn Tây Nam khô nóng, nguy cơ cháy rừng luôn thường trực. Ngày 17/5, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị mới khống chế hoàn toàn đám cháy tại khu vực Tiểu khu 592A, thuộc địa phận xã Linh Trường, (huyện Gio Linh) lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Vụ cháy xảy ra rộng khoảng 18 ha, trong đó diện tích có rừng (rừng keo lai trồng từ năm 2016) khoảng 6 ha, diện tích không có rừng (rừng trồng đã khai thác) khoảng 12ha. Thiệt hại ước tính khoảng 300 triệu đồng. Cũng trong ngày 17/5, một vụ cháy đã xảy ra tại khu vực rừng trồng ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) gây thiệt hại 3ha rừng keo 3 năm tuổi của người dân.
Gia tăng nguy cơ hỏa hoạn trong sinh hoạt, đời sống
Vào khoảng 2 giờ ngày 31/5, trên địa bàn phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm T.H làm hai vợ chồng chủ cửa hàng tử vong.
Ngày 2/6, tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) xảy ra vụ cháy tại công ty dệt may làm gần 1.000 m2 nhà xưởng bị thiêu rụi, thiệt hại nhiều tài sản giá trị.
Tại phường Cầu Diễn, Hà Nội, 18 giờ ngày 5/6 xảy ra vụ cháy ga ra ô tô trên đường Nguyễn Văn Giáp, quận Nam Từ Liêm khiến nhiều tài sản bị thiêu rụi, trong đó có 8 xe đắt tiền. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an thành phố Hà Nội điều động hàng chục cán bộ, chiến sỹ được đến hiện trường dập lửa.
Cũng trong ngày 5/6, tại thành phố Thuận An (Bình Dương) xảy ra vụ hỏa hoạn ở hộ kinh doanh gỗ trong khu đông dân cư lúc rạng sáng. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người.
Triển khai giải pháp phòng ngừa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng gay gắt hơn, với số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa làm nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân.
Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định, khoảng từ giữa tháng 6, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1 độ C. Trong tháng 6, dự kiến còn khoảng 2-3 đợt nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhiệt độ trung bình tháng 6/2023 tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy cao, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên đốt thực bì vào sáng sớm để có thể kịp thời xử lý sự cố xảy ra; khi nhiệt độ ngoài trời quá cao không nên đốt thực bì… Cùng với đó người dân cần lưu ý đốt từ trên xuống dưới, hạn chế bị ngạt khói hơn so với đốt từ dưới lên. Trước khi đốt, người dân phải làm đường băng cản lửa bao quanh; chỉ được đốt lúc gió nhẹ và phải bố trí người canh gác, không được để cháy lan và phải dập tắt hết tàn lửa sau khi đốt. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải huy động ngay lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy rừng; đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ nếu có nguy cơ cháy lớn, tránh xảy ra hậu quả đau lòng.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, ông Hoàng Duy Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (Quảng Trị) cho biết, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 21.000 ha đất và rừng, thuộc địa bàn các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) và Linh Trường (huyện Gio Linh) đang có nguy cơ cháy rừng rất cao trong mùa nắng nóng. Từ đầu mùa nắng nóng 2023, lực lượng bảo vệ rừng đã phải “căng mình” ở các chốt trực 24/24 giờ, tăng cường tuần tra, tuyên truyền, phòng, chống cháy rừng.
Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Bình Dương) cho biết, sau khi tiếp nhận ý kiến của các doanh nghiệp cũng như Công văn số 1091 ngày 11/4/2023 của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, Công an tỉnh đã ban hành Công văn số 87 để thực hiện các biện pháp cụ thể. Theo đó, Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tuyên truyền, gặp gỡ, hướng dẫn các chủ cơ sở còn gặp vướng mắc sớm khắc phục các tồn tại; thành lập nhiều tổ công tác trực tiếp đến cơ sở hướng dẫn chủ đầu tư lựa chọn một trong các phương án phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo theo quy định, sớm được nghiệm thu hạng mục phòng cháy, chữa cháy, đưa công trình vào hoạt động.
Nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng.
Những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở nơi trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.
Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phòng cháy và chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc. Khi xảy ra cháy rừng, cử ngay lãnh đạo và cơ quan chức năng xuống hỗ trợ các địa phương ứng trực và chỉ huy chữa cháy rừng, duy trì nghiêm chế độ trực ban 24/24 giờ.
Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ngành điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối của hệ thống điện quốc gia, không để xảy ra sự cố về truyền tải, cung cấp điện phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.